19/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Qui trình nuôi vỗ và sinh sản cá thát lát còm
 2023
 12/01/2022
Ảnh: Tuyển chọn cá Thát Lát bố mẹ chuẩn bị nuôi vỗ

Ảnh: Tuyển chọn cá Thát Lát bố mẹ chuẩn bị nuôi vỗ

Cá thát lát còm, hay cá thát lát cườm là một trong những nông sản đặc sản Hậu Giang, đây là loài cá có thịt rất ngon và được chế biến thành nhiều món cao cấp. Cá thát lát còm là loài cá ăn tạp, thiên về thức ăn động vật như: giáp xác, nhuyễn thể, cá con, phiêu sinh vật. Quy trình nuôi vỗ cá thát lát như sau:

1. Qui trình nuôi vỗ cá thát lát

   1.1 Chuẩn bị ao, vèo nuôi vỗ

          * Nuôi vỗ trong ao

          Ao đất có diện tích từ 200m2 trở lên, tốt nhất là từ 500-1.000m2, độ sâu của ao khoảng từ 1,5-2m, có hệ thống cấp và thoát nước dễ dàng, chủ động. Trong ao có thể thả khoảng 1/4 lục bình hoặc rau muống để tạo nơi trú cho cá.

          Cải tạo ao thật kỹ trước khi nuôi vỗ, sên vét ao (lớp bùn hữu cơ ở đáy ao 10-15cm là thích hợp). Tháo cạn nước ao, dọn sạch rác, bắt hết cá tạp và địch hại, san lấp các chỗ bị rò rỉ.

Rải vôi bột xuống đáy và xung quanh ao để diệt khuẩn, điều chỉnh độ pH môi trường nước trước khi nuôi vỗ. Bón vôi với liều lượng 10-15kg/100m2, sau khi bón vôi pH phải đạt từ 7-8,5. Lấy nước vào ao 1-2 ngày qua lưới lọc trước khi thả cá. Nguồn nước phải bảo đảm không bị ô nhiễm các chất hữu cơ.

* Nuôi vỗ trong vèo

Vèo có diện tích từ 30 – 40 m2 (3m x 10m x 2m; 3,5 m x 10 m x 2 m), độ sâu từ 1,5 – 1,8 m.

Lưới dùng để làm vèo nuôi vỗ có mắt lưới từ 10 – 30 mm, đáy vèo cắm cách mặt đáy ao từ 50 cm trở lên, không để đáy vèo nằm sát đáy ao dễ bị gây bệnh cho cá. Cắm vèo cách bờ từ 2 m – 3m nhằm hạng chế sự thay đổi môi trường trong vèo nuôi.

  1.2. Chuẩn bị cá bố mẹ nuôi vỗ

          Cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ phải trên 1 năm tuổi, trọng lượng trung bình khoảng từ 700-1.000g/con. Cá khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không bị xây xát, dị hình.

  1.3. Mật độ và tỉ lệ cá nuôi vỗ

          Mật độ nuôi vỗ

- Đối với nuôi trong ao đất: 3-5kg/m2 (5 – 8 con/m2).

- Đối với nuôi trong vèo: 8 – 10kg/m2 (10 – 12 con/m2).

Tỉ lệ nuôi vỗ: tỉ lệ đực: cái là 1: 3 hoặc 1: 4, nên nuôi đực cái chung.

   1.4. Thời gian nuôi vỗ thành thục sinh dục

          Thời điểm nuôi vỗ thường bắt đầu từ tháng 11-12 hàng năm và thời gian nuôi vỗ kéo dài khoảng từ 3-4 tháng.

          Nuôi vỗ chia thành 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn nuôi vỗ tích cực kéo dài trong 2 tháng đầu tiên, chủ yếu cung cấp nhiều năng lượng để cá bố mẹ tích lũy mỡ trong cơ thể, thức ăn có hàm lượng đạm từ 40% trở lên. Thời gian này cá ăn mạnh nên khẩu phần ăn cao hơn những giai đoạn khác. Khẩu phần 2– 3 % trọng lượng thân/ngày.

          + Giai đoạn nuôi vỗ thành thục được tiến hành sau 2 - 3 tháng nuôi vỗ tích cực. Giai đoạn này tuyến sinh dục cá bước vào thành thục và chuẩn bị đẻ trứng cá ăn kém đi, do vậy khẩu phần ăn nên giảm xuống (lượng thức ăn giảm còn 1,5 - 2% trọng lượng thân/ngày). Cần bổ sung thêm các loại Premix khoáng, Vitamin A, D, E... mỗi loại 10 mg/1kg thức ăn. Hàm lượng đạm 40% trở lên.

1.5. Thức ăn nuôi vỗ thành thục sinh dục

Cá Thát lát Còm ưa thích thức ăn tươi sống, vì vậy thức ăn cho cá bố mẹ chủ yếu là cá tạp, cá vụn băm nhỏ, ốc, tép…, không cho cá ăn thức ăn đã bị ươn thối. Có thể phối trộn cá tạp với thức ăn công nghiêp có hàm lượng đạm (40%) với tỷ lệ 50%: 50%.

Hàng ngày cho cá ăn 2 lần, vào buổi sáng và chiều mát, buổi sáng cho cá ăn 30% khẩu phần cá ăn trong ngày, buổi chiều cho ăn phần còn lại. Khẩu phần ăn 2-3% trọng lượng thân/ngày. Nên cho thức ăn vào sàng ăn để kiểm tra được mức ăn của cá để điều chỉnh kịp thời. Có thể trộn hoặc ngâm thức ăn thêm một số loại vitamin như vitamin C và E, mỗi loại 10 mg/1kg thức ăn.

  1.6. Chăm sóc cá nuôi vỗ

          Ao nuôi vỗ cá bố mẹ phải theo dõi và thay nước khi cần thiết để luôn giữ cho môi trường ao nuôi sạch và cá khỏe mạnh.

          Theo dõi các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, pH, Oxy hòa tan. Nhiệt độ thích hợp để nuôi vỗ cá là 26-28oC, hàm lượng oxy hòa tan >3mg/l, pH nằm trong giới hạn cho phép là 6,5-8,5.

  1.7. Kiểm tra độ thành thục và nuôi tái phát dục

          Từ tháng nuôi vỗ thứ ba đến khi bắt đầu cho đẻ, mỗi tháng kiểm tra 2 lần. Giai đoạn này cá được kiểm tra cẩn thận để định ngày cho đẻ. Mỗi lần kiểm tra phải ngưng cho cá ăn trước 1 ngày.

          Nuôi vỗ tái phát dục: Sau khi cho đẻ lần thứ nhất, tiếp tục nuôi vỗ tái phát để cá phát dục trở lại. Sau khi nuôi vỗ tái phát từ 25 - 30 ngày cá có thể cho đẻ tiếp lần 2

2. Qui trình sinh sản cá thát lát  

2.1 Chọn cá cho sinh sản

Sau khi nuôi vỗ xong tiến hành kiểm tra mức độ thành thục và chuẩn bị cho cá sinh sản. Cá thành thục sinh dục có thể xác định dựa vào tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn ngoại hình của cá còm thành thục sinh dục

Tiêu chuẩn xác định

Giới tính

Cá cái

Cá đực

1.Màu sắc cá

Màu sậm hơn

Màu sáng hơn

2. Bụng cá

- Độ lớn

- Độ mềm

- Điểm đặc biệt

 

Bụng lớn buồng trứng nổi rõ

Mềm rõ

 

 

Bụng nhỏ hơn

Không thấy

3. Bộ phận niệu sinh dục

- Màu sắc

- Hình thái

 

Hồng toàn bộ

Hơi phẳng

 

Hồng nhạt đỏ ở đầu mút

Giai sinh dục rõ

4. Cơ thể cá

Mập hơn

Thon hơn

5. Độ dài vây bụng

Chưa tới gốc vây hậu môn

Tới hoặc dài tới gốc vây hậu môn

 

  2.2 Kích thích sinh sản

          Tiêm kích dục tố LHRHa cho cá. Cá cái: tiêm một liều quyết định, cá đực: tiêm 1 liều quyết định cùng thời điểm với liều quyết định của cá cái.

          Liều lượng tiêm:

- Cá cái: tiêm từ 120-200mg/kg cá (tùy theo sự phát triển của buồng trứng). Tiêm vào cơ (gốc vi lưng) hoặc vi ngực của cá.

- Cá đực tiêm liều bằng ½ liều cá cái, tiêm cùng thời điểm với liều quyết định của cá cái. Tuy nhiên nếu cá đực thành thục tốt không cần tiêm thuốc.

          Sau khi tiêm thuốc, đưa cá bố mẹ vào vèo và sau 48h nếu thấy trứng rụng thì tiến hành vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo.

 2.3 Vuốt trứng và cho thụ tinh

          Phương pháp vuốt trứng và thụ tinh khô: lấy khăn lau khô nước cá, lật bụng cá cái lên, dùng tay vuốt nhẹ dọc hai bên buồng trứng, trứng chảy ra cho vào trong chậu (thau) khô hoặc khay men sạch.

            Tiến hành mổ lấy tinh con đực tưới trực tiếp lên trứng (do không thể vuốt được tinh dịch cá đực ra ngoài, nên phải mổ để lấy buồng tinh), dùng lông gà khô trộn trứng đều với tinh dịch, sau 10-20 giây cho nước muối sinh lý hoặc nước sạch vào ngập trứng, chú ý nước được cho vào từ từ, vừa cho nước vào vừa dùng lông gà khuấy đều để trứng hoạt hóa và thụ tinh, sau khoảng 20-30 giây thì đổ nước cũ đi. Quá trình xử lý tiếp theo còn tùy thuộc vào phương pháp ấp trứng.

2.4 Ấp trứng

        *Ấp bằng bình Weys

Cần phải khử dính trứng trước khi cho vào bình ấp. Chất khử dính sử dụng là Tanin, pha với nồng độ là 30mg/10 lít nước, cho vào thau đựng trứng cá và dùng lông gà khuấy đều trong 30 giây, sau đó dùng nước sạch rửa nhiều lần (khoảng 3-4 lần) và cho trứng vào bình ấp.

Bình Weys cần phải được khử trùng sạch trước khi đưa trứng vào ấp. Mật độ ấp trứng đối với cá Thát lát còm là 2.000-3.000 trứng/lít nước.

          Điều chỉnh lượng nước chảy vào bình Weys để trứng (sau khử dính) được đảo đều, không bị lắng đọng ở đáy bình, đồng thời cung cấp đủ oxy cho quá trình phát triển của phôi.

          Trứng sẽ nở sau 5-7 ngày (120-160 giờ) ở nhiệt độ 28-32oC. Sau khi nở, thu và chuyển cá bột ra bể ấp tròn có thể tích từ 1-4m3, sục khí đều và mạnh (giữ cá ở mật độ 10.000-15.000 con/m3).

          Chú ý đến hàm lượng oxy và nhiệt độ nước trong quá trình ấp, điều chỉnh ở ngưỡng nhiệt độ thích hợp để đảm bảo tỷ lệ nở và tỷ lệ sống. Trong điều kiện thời tiết thay đổi, nhiệt độ nước thấp có thể dùng thiết bị (heater) để điều chỉnh nhiệt độ nước.       

       * Ấp trứng bằng khung lưới

          Trứng sau khi thụ tinh (không khử dính) được rải lên mảnh lưới sợi và trứng bám chắc vào đó rồi đưa vào dụng cụ ấp. Có thể âp trứng trong các dụng cụ đơn giản như thau, chậu lớn (đường kính 60 cm), bể xi măng, bể composite... Nước ấp phải trong sạch, mức nước 0,2-0,3 m, có dòng chảy nhẹ và kết hợp sục khí, mật độ ấp là 1.000-1.500 trứng/m2. Thời gian ấp nở phôi cá còm khá dài, từ 120-160 giờ (ở nhiệt độ 28-32oC). Do thời gian ấp kéo dài nên chú ý giữ cho môi trường nước ấp sạch để không bị nhiễm các loại nấm (đặc biệt là nấm thủy mi-Saprolegnia) và nguyên sinh động vật (Protozoa) làm hư hỏng trứng và phôi. Khi bị nhiễm nấm có thể sử dụng Xanh methylen nồng độ 5ppm để diệt nấm trong bể ấp.

  2.5. Quản lý và thu cá bột

          Cá mới nở được thu bằng lưới mịn và chuyển sang bể khác (có sục khí nhẹ), giữ đến giai đoạn tiêu hết noãn hoàng (3-4 ngày) thì chuyển cá ra ao hoặc bể ương.

Hồ Hoàng Tích
Khuyến nông viên, Trạm KN huyện Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc