09/05/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Những lưu ý khi nuôi Dê sinh sản và Dê thương phẩm
 1493
 25/10/2023
Dê sinh sản

Dê sinh sản

Dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, chuồng trại đơn giản, có khả năng sinh trưởng khá nhanh, nuôi từ 8 - 10 tháng có thể xuất chuồng hoặc cho sinh sản. Mỗi năm sinh sản 2 lần, mỗi lần từ 1 - 2 con, có khi sinh sản 3 con nhưng hiếm khi, từ đó đàn dê cũng tăng số lượng đầu con nhanh chóng qua từng năm. Một số lưu ý khi nuôi Dê sinh sản và Dê thương phẩm:

1. Xây dựng chuồng nuôi dê đúng quy cách kỹ thuật

Bản tính của dê là thích ở nơi cao ráo, sạch sẽ, vì vậy chuồng nuôi dê phải làm sàn, cao cách mặt đất từ 1 – 1,2m, có thang cho dê lên xuống dễ dàng. Có thể làm sàn bằng gỗ bạch đàn, ván lót 3 x 6 cm, khe hở 1,5 – 2 cm để dễ lọt phân nhưng không làm dê bị kẹt móng. Máng ăn, uống phải đủ dài, bảo đảm tất cả dê có thể ăn cùng một lúc và không rơi vãi, tránh lãng phí thức ăn.

2. Chọn dê để làm giống:

Hiện đã chọn lọc 2 giống dê có trọng lượng lớn, khả năng sinh trưởng và sinh sản tốt như: dê Boer và dê Bách thảo, các đặc điểm ngoại hình nổi bật:

+ Dê cái thân hình đều đặn, đầu nhỏ, cổ vừa phải và thon, ngực nở và sâu, lưng thẳng và rộng, chân khỏe, da mềm mại, lông mượt, bộ phận sinh dục nở nang lộ rõ.

+ Dê đực có đầu to, cổ khỏe, thân hình cân đối, xương chắc, đùi nổi bắp thịt, hai tinh hoàn to và đều nhau, dáng điệu nhanh nhẹn, linh hoạt, tính dục hăng và được chọn từ đàn có bố mẹ đẻ sai.

Muốn làm tốt công tác giống cần có sổ ghi chép theo dõi phối giống và sinh sản của dê.

3. Thức ăn cho dê rất đa dạng gồm: các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây, so đũa, mít, chuối, phế phẩm nông nghiệp rơm, thân cây bắp, ngọn mía, các loại cây họ đậu, các loại củ quả..., cần bổ sung thêm thức ăn tinh, khoáng, Vitamin trong khẩu phần ăn của dê.

4. Công tác vệ sinh thú y, tiêm phòng văc xin, chăm sóc nuôi dưỡng:

Đây là công việc hết sức quan trọng trong quá trình chăn nuôi, người nuôi dê cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh thú y phòng bệnh cho đàn dê nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra, giúp đàn dê sinh trưởng, phát triển và sinh sản tốt. Chuồng trại phải luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, phát hoang bụi rậm, khai thông cống rảnh nhất là ở giai đoạn giao mùa.

Định kỳ têu độc sát trùng chuồng trại bằng một trong những loại hóa chất sau đây: vôi bột, Benkocid, formol, Iodine... Định kỳ tẩy giun sán, tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm thường xảy ra như: tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng. Ngoài ra dê còn có khả năng tự chịu đựng và dấu bệnh tốt nên người chăn nuôi hàng ngày cần quan sát và theo dõi kỹ các hoạt động của đàn dê nhà mình, kịp thời phát hiện những con có biểu hiện sức khỏe kém, ủ bệnh để có chế độ chăm sóc và điều trị hợp lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa rủi ro do dich bệnh gây ra.

Có thể nói chăn nuôi dê là một hướng đi có nhiều tiềm năng và lợi thế, giúp cho các hộ nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và đã có nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ chính vật nuôi này một cách bền vững. Chính vì vậy ngoài những kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, người nuôi dê cần áp dụng đầy đủ các quy trình kỹ thuật để phát triển đàn dê bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Nguyễn Văn Hảo
Khuyến nông thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A.

Ý kiến bạn đọc