08/05/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Vị Thủy: Thu nhập ổn định trong mùa dịch bệnh nhờ cây trầu
 260
 19/10/2021
Ảnh: Khuyến nông viên huyện Vị Thủy đến thăm mô hình

Ảnh: Khuyến nông viên huyện Vị Thủy đến thăm mô hình

Trầu là một trong những cây trồng truyền thống lâu đời của người dân xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang nói chung và bà con ấp 5 xã Vị Thủy nói riêng. Cây trầu cho thu hoạch thường xuyên nên thu nhập tương đối ổn định, thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/1.000m2/năm. Với diện tích 35,5 ha trầu, mỗi năm đem lại cho xã Vị Thủy nguồn thu khoảng trên 1 tỷ đồng.

Là hộ có diện tích trồng trầu lớn nhất ở xã, gia đình ông Nguyễn Hồng Cường cho biết. “Nhà tôi trồng trầu trên 30 năm nay, sau khi nhận thấy được giá trị kinh tế cũng như nhu cầu về lá trầu, gia đình đã quyết định mở rộng diện tích. Đến thời điểm hiện tại nhà tôi có trên 1.000m2 trầu. Với diện tích trên, mỗi tháng cho thu nhập trung bình từ 10 - 15 triệu đồng. Riêng năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thu nhập từ cây trầu có phần giảm hơn những năm trước đây, tuy nhiên vẫn đảm bảo được thu nhập thường xuyên và ổn định”.

Ông Cường cho biết: điều mà ông cảm thấy yên tâm là hiện nay đầu ra của lá trầu dần ổn định lại. Mỗi tháng ông thu hoạch 2 lần và mỗi lần hái từ 2.000-2.500 ốp trầu (1 ốp 40 lá), ông bán với giá 3.000 - 3.500đồng/ốp với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, ông còn lợi nhuận 1.000.000-1.200.000đồng/ mỗi lần hái, tương đối cao so với trồng các loại cây màu khác.

Ông Cường cho biết thêm; Trầu từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch chỉ mất khoảng 2 tháng, sau một năm, dây trầu bò lên phủ nọc, đây cũng là thời điểm trầu cho sản lượng lá cao nhất, dây trầu tốt có thể cho lá hơn một năm. Với mỗi một nhánh trầu mới, khi thu hoạch bao giờ người hái cũng chừa lại lá nhỏ kế tiếp lá to để nuôi từ 15 đến 20 ngày. Cứ như vậy, trầu cho lá liên tục ngày này qua tháng khác cho đến khi dây trầu già.

Cũng là loại cây ăn lá, song cây trầu thường ít bệnh, lại dễ chăm sóc. Thông thường, vườn trầu hay bị đốm lá vào giai đoạn đầu của đợt xuống dây trầu mới và vào đầu mùa mưa. Thay vì phòng trị, bà con chỉ hái bỏ những lá bị bệnh để trầu ra lá khác, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Văn Kính Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, toàn xã có 35.5ha trầu, nằm rải rác ở các ấp 4,; 5; 6; 7 và 8. Những năm gần đây, đầu ra và giá cả thị trường của trầu luôn ổn định, nên cuộc sống của người trồng trầu được cải thiện đáng kể. Trừ các khoản chi phí, tính ra thu nhập từ cây trầu cao gấp ba lần cây lúa. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Xã đang vận động người dân cải tạo vườn tạp, đất bỏ hoang, hoặc đất đang trồng cây màu mà thu nhập không cao chuyển sang trồng trầu.

Bên cạnh đó, chính quyền sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật trồng trầu cho bà con và kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho người dân vay vốn để đầu tư trồng trầu. Nhưng ông Kính cũng trăn trở về vấn đề đầu ra thường không ổn định do dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi chia sẻ với bà con những khó khăn đang gặp phải và tin rằng bằng trách nhiệm của lãnh đạo xã và ngành chức năng, sẽ tìm được hướng đi đúng cho đầu ra của lá trầu, nhằm bảo tồn một loại cây nổi tiếng của địa phương và cũng làm cho đời sống người dân được nâng lên, cũng từ đó tạo thêm thế mạnh và sản xuất nông nghiệp của địa phương được bền vững.

 

Ảnh: Người dân xếp lá trầu sau khi hái

Nguyễn Thanh Luận - Khuyến nông viên trạm khuyến nông huyện Vị Thủy

Ý kiến bạn đọc