14/12/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Hoạt động khuyến nông trong nước
TP Cần Thơ: Hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách "xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam"
 631
 26/03/2024
Ảnh. Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ảnh. Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 18/3/2024, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam. Hội thảo nhằm mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan liên quan về nhu cầu và định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật cho phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chuyên môn Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cơ quan khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 53,01 tỷ USD. Hiện, Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó, có 6 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới.

Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh và chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Có tới 80% sản lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thời gian qua có nhiều thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới bị vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, việc đi tìm lại quyền bảo hộ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, tốn kém kinh phí, thời gian,...

Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản Việt Nam. Xây dựng thương hiệu nông sản gồm cấp địa phương, cấp vùng và cấp quốc gia, góp phần quảng bá nông sản chủ lực, đặc trưng của Việt Nam, xây dựng chính sách về "xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam" giúp bảo vệ quyền và lợi ích của các bên liên quan trong quá trình sản xuất, cung ứng và thương mại sản phẩm trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam giúp chúng ta xác định mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng cần được ưu tiên để có sự hỗ trợ tập trung trong việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ về sở hữu trí tuệ, như là một tài sản quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời phát biểu chỉ đạo, khẳng định nông sản Việt Nam muốn phát triển thương hiệu tốt phải có định hướng phát triển đồng thời trên 3 trục lớn là: phải có sản phẩm tốt; có doanh nghiệp tham gia xây dựng với quy mô lớn; phải có hệ sinh thái tốt để thương hiệu phát triển và gắn kết thành thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung. Việc xây dựng một Nghị định chung về quản lý nhãn hiệu nông sản phải theo chuỗi giá trị thương hiệu nông sản từ việc chọn giống, gieo trồng đến lúc tạo ra sản phẩm; đồng thời quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan. Thứ trưởng đề nghị các hiệp hội ngành hàng, địa phương, đơn vị chuyên môn cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu nông sản, ưu tiên lựa chọn sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu và quản lý thương hiệu. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khai thác nhãn hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải và mở rộng chính sách xây dựng thương hiệu nông sản đối với các hàng chủ lực khác như sầu riêng, tôm, cá tra, …

Ảnh. Toàn cảnh buổi Hội thảo tham vấn chính sách.

 

Bành Đức Tín
TTKN và DVNN Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc