06/05/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Phụng Hiệp: Hiệu quả Mô hình lúa cấy gắn với sản xuất lúa giống
 35
 24/04/2024
Ảnh: ông Nguyễn Văn Niềm nông dân Tổ hợp tác Đoàn Kết tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình.

Ảnh: ông Nguyễn Văn Niềm nông dân Tổ hợp tác Đoàn Kết tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình.

NNHG-Vụ lúa Đông Xuân niên vụ 2023-2024 xã Phương Bình đã xuống giống và thu hoạch dứt điểm 1.756/1.756 ha, năng suất bình quân 8,1 tấn/ha, giá bán dao động từ 7.800-8.500 đồng. So với nhiều năm trở lại đây, vụ Đông Xuân năm nay, được xem là vụ lúa “thắng lớn” của bà con nông dân trên địa bàn xã khi có một vụ lúa được mùa, được giá.

Đặc biệt, nông dân trong mô hình lúa cấy gắn với sản xuất lúa giống của Tổ hợp tác Đoàn Kết, ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình thu lại lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thương phẩm từ 8.000.000-10.000.000 đồng/ha.

Tổ hợp tác Đoàn Kết tại ấp Phương Thạnh được thành lập vào năm 2020, tổ có 26 thành viên, tổng diện tích chuyên sản xuất lúa 2 vụ là 28 ha. Được sự hướng dẫn của cán bộ Ngành nông nghiệp, tổ hợp tác đã liên kết với Hợp tác xã Trung Hiếu Phát tại ấp 4, xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp để ký Hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam để nông dân sản xuất lúa theo quy trình sản xuất lúa giống. Vụ Đông Xuân niên vụ 2023-2024, tổ đã sản xuất thí điểm 5,5 ha trên giống lúa Đài Thơm 8, có 6 thành viên tham gia. Mô hình áp dụng phương pháp cấy với mật độ 50 kg/ha, mạ được phía Hợp tác xã Trung Hiếu Phát gieo trước khi cấy 12 ngày (giống lúa cấp nguyên chủng), sau khi cấy được 3 tháng, từ sự chăm sóc tận tuỵ của các thành viên tham gia, mô hình cho hiệu quả vượt trội, trên sự mong đợi của bà con. Năng suất lúa của các thành viên trong mô hình đạt 8,3 tấn/ha, cao hơn các thành viên ngoài mô hình 0,2 tấn/ha. Đồng thời, các nông dân tham gia mô hình được thu mua lúa với mức giá 9.200 đồng/kg (cao hơn giá lúa thương phẩm của các hộ lân cận cùng thời điểm là 1.000 đồng/kg), trừ hết chi phí cho lợi nhuận gần 55.000.000 đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa thương phẩm từ 8.000.000-10.000.000 đồng/ha.

Chú Nguyễn Văn Niềm, một trong những thành viên trực tiếp tham gia mô hình sản xuất lúa giống cho biết: khó khăn lớn nhất của sản xuất lúa giống là việc khử lúa lẫn và cỏ dại trên ruộng lúa để đảm bảo lúa đạt tiêu chuẩn lúa giống theo quy định. Đổi lại, nông dân được thu lại lúa với giá cao hơn so với các hộ sản xuất lúa hàng hoá trong vùng. Bên cạnh đó, do áp dụng phương thức cấy lúa với mật độ thưa nên tiết kiệm được lượng lớn phân bón, ruộng lúa thông thoáng hạn chế nhiều sâu bệnh, cây lúa cứng cáp hạn chế đổ ngã góp phần hạ thấp chi phí giá thành trong sản xuất. Mặt khác, lúa được thu hoạch khi đạt độ chín vừa phải nên lúa rất nặng ký, trường hợp lúa sau thu hoạch có độ ẩm thấp hơn độ ẩm quy định là 24% thì nông dân sẽ được phía Hợp tác xã và Công ty quy đổi và bù lại lượng lúa hao hụt cho bà con.

Trong vụ Hè Thu 2024 này, Tổ hợp tác sẽ tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam cấy 7,5 ha lúa trên giống lúa OM5451, sản xuất theo quy trình sản xuất lúa giống, mức giá được thu mua cao giá thị trường là 1.200 đồng/kg. Từ những thành quả bước đầu mang lại từ mô hình, chúng ta có thể tin rằng, mô hình lúa cấy gắn với sản xuất lúa giống sẽ là một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao và mang tính bền vững cho nông dân sản xuất lúa trên địa bàn huyện Phụng Hiệp./.

 

Phạm Quốc Ninh
Trạm Trồng Trọt và BVTV huyện Phụng Hiệp

Ý kiến bạn đọc