27/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Hậu Giang: Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL
 164
 26/03/2024
Ảnh: Quan cảnh Hội thảo

Ảnh: Quan cảnh Hội thảo

Ngày 13/3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Ban Giám đốc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; các nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất lúa và hơn 200 nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh cùng tham dự.

Tại hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện "Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh Hậu Giang". Đại diện các Công ty CP phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty Vinarice đã trình bày một số giải pháp để góp phần tiết kiệm và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa thời gian tới.

Qua Hội thảo, góp phần tuyên truyền nhân rộng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại các tỉnh ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Ảnh: Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự trình diễn tại ruộng mô hình.

Dịp này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham quan mô hình quy trình canh tác lúa thông minh, đồng thời xem trình diễn máy gặt tuốt liên hợp, máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ, máy bón phân, máy cày vùi để tăng pH và xử lý rơm rạ, máy cuộn rơm tại ruộng trình diễn mô hình sạ cụm kết hợp bón vùi phân vụ Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Theo kế hoạch, đến năm 2025 tỉnh Hậu Giang, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Hậu Giang đạt 28.000 ha. Triển khai đề án tại 6/8 đơn vị cấp huyện gồm: thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 46.000 ha diện tích lúa chuyên canh chất lượng cao; lượng giống gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/ha; lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên 70%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn dưới 8%; 100% diện tích thu hoạch được thu gom rơm khỏi đồng ruộng, tái sử dụng hoặc được xử lý không ô nhiễm môi trường; giảm trên 10% phát thải khí nhà kính; 20% sản lượng gạo vùng đề án xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam.

 

Ngô Văn Thống - TTKN&DVNN

Ý kiến bạn đọc