29/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang: Khuyến cáo mùa vụ nuôi thủy sản trên ruộng lúa và các biện pháp quản lý nuôi thủy sản trong mùa mưa năm 2023
 480
 01/08/2023
Hiện nay, mùa mưa đang bắt đầu ở nhiều khu vực Nam Bộ và đây là mùa nuôi thủy sản trên ruộng lúa của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xu hướng thiên tai mưa bão năm 2023 được dự báo có diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Vào mùa mưa, những biến đổi đột ngột về môi trường như: nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ trong, độ mặn,… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các tác nhân gây bệnh trong nước có điều kiện phát triển và xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh.

Bên cạnh đó, vào những ngày mưa diễn ra liên tục, lượng nước mưa lớn cục bộ sẽ gây ra hiện tượng tràn bờ, gây thất thoát thủy sản nuôi và thiệt hại cho người nuôi thủy sản. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Hậu Giang đề nghị Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc khuyến cáo người dân nuôi thủy sản thực hiện một số nội dung sau:

I. Khuyến cáo lịch mùa vụ nuôi thủy sản trên ruộng lúa

Theo Thông báo lịch mùa vụ, mùa vụ nuôi thủy sản ruộng lúa bắt đầu từ khoảng tháng 4 đến tháng 8 (dương lịch). Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương và tình hình mực nước trên ruộng để điều chỉnh thời gian thả cá ruộng cho phù hợp. Trường hợp nước lũ thấp và đến muộn thì người dân nên ương dưỡng cá giống trong vèo lưới, ao, mương,… trước khi thả lên ruộng để rút ngắn thời gian nuôi và đảm bảo kích cỡ cá thương phẩm. Trước khi thả giống hộ nuôi cần lưu ý:

- Kết hợp nuôi nhiều đối tượng như cá lóc, cá trê vàng, cá rô đồng nuôi ghép với cá sặc rằn, rô phi, chép, mè,… nhằm đa dạng hóa sản phẩm đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi. Trong đó đối tượng nuôi chính nên chiếm trên 50% 2 mật độ nuôi, người nuôi có thể tham khảo một số công thức kết hợp các đối tượng nuôi như sau:

      + Mật độ nuôi: 70% cá lóc (hoặc 50% cá lóc

      + 20% cá trê vàng/rô đồng...), 20% cá sặc rằn, 10% cá chép/cá mè.

      + Mật độ nuôi: 70% cá trê vàng (hoặc 50% cá trê vàng

      + 20% cá lóc/rô đồng...), 20% cá sặc rằn, 10% cá chép/cá mè.

- Có thể áp dụng nuôi cá lóc, cá trê vàng trên ruộng lúa theo hình thức hoang dã hóa (cá được nuôi trong vèo đặt trong ao (trong mương bao của ruộng) hoặc trong ao khoảng 2 - 3 tháng, sau đó chuyển cá lên ruộng để hoang dã hóa). Ở hình thức này có thể tạo thêm thức ăn cho cá bằng cách thả cá rô phi trên ruộng từ 2 - 3 tháng trước khi chuyển cá lóc, cá trê vàng lên ruộng nhằm tạo thêm nguồn thức ăn cho cá.

- Nên nuôi cá theo hình thức quảng canh cải tiến (có bổ sung thức ăn) nhằm tăng hiệu quả cho mô hình đồng thời tận dụng nguồn thức ăn tươi sống sẵn có tại địa phương như ốc bươu vàng, cá tạp,... nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

II. Khuyến cáo các biện pháp quản lý nuôi thủy sản trong mùa mưa

1. Đối với hình thức nuôi thủy sản trong ao

- Đối với thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm: trường hợp có thông báo mưa to kéo dài, bão,… người nuôi cần khẩn trương thu hoạch để tránh thiệt hại.

- Đối với thủy sản đang nuôi, chưa đến thời điểm thu hoạch: Người nuôi cần phải gia cố bờ ao, rào lưới chắn xung quanh ao cao hơn mực nước ít nhất 0,5m, chân lưới âm sâu trong đất 0,3m; kiểm tra cống bọng; đồng thời phát quang cây cối xung quanh ao nuôi để tránh cành lá rơi xuống ao gây ô nhiễm môi trường ao nuôi và đề phòng khi gió lớn làm cây đổ ngã gây vỡ bờ ao, thất thoát thủy sản nuôi.

2. Đối với hình thức nuôi thủy sản trên ruộng lúa Để tránh trường hợp thủy sản nuôi thất thoát ra ngoài tự nhiên, người nuôi cần thực hiện đầy đủ các biện pháp sau

- Tiến hành tu sửa bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước ít nhất 0,5m, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí đủ cống thoát nước.

- Cần thả giống đúng thông báo lịch mùa vụ, nên thả giống cỡ lớn để rút ngắn thời gian nuôi và khẩn trương thu hoạch khi cá đạt kích cỡ thương phẩm.

3. Đối với mô hình nuôi tôm nước lợ trên ruộng lúa

- Tăng cường gia cố, tu sửa bờ bao, cống cấp thoát nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát tôm nuôi.

- Khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn, độ trong,… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. 

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Đối với hình thức nuôi thủy sản lồng/bè trên sông

- Kiểm tra lại lồng/bè; gia cố lại hệ thống phao, dây neo và di chuyển vào nơi ít gió, có dòng chảy nhẹ để tránh giông gió làm hư hỏng bè. Trong trường hợp không thể di chuyển lồng/bè cần giảm độ sâu của lồng bè để hạn chế sóng, gió.

- Thường xuyên vệ sinh lồng/bè sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho thủy sản nuôi.

5. Đối với phần diện tích chưa thả giống

- Hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo công trình nuôi theo quy trình kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng nuôi.

- Trước khi thả giống cần kiểm tra các thông số môi trường để điều chỉnh đến khi có giá trị nằm trong giới hạn phù hợp mới thả giống.

- Thực hiện ương cá giống trong vèo trước khi thả nuôi thương phẩm (nếu cần thiết).

6. Đối với địa phương có thủy sản nuôi bị thiệt hại do thiên tai

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan cần xác định nguyên nhân, có kết luận và thông báo cho người nuôi biết.

- Thực hiện các biện pháp xử lý thủy sản chết theo hướng dẫn tại Điều 18, Điều 19 của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản.

- Đề xuất các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời theo quy định để người dân ổn định, khôi phục sản xuất.

7. Biện pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi trong mùa mưa, bão

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi mực nước, màu nước trong hệ thống nuôi để kịp thời điều chỉnh; theo dõi thời tiết nhất là những thời điểm giao mùa để điều chỉnh môi trường, lượng thức ăn cho phù hợp.

- Đảm bảo môi trường nuôi sạch, an toàn bằng các biện pháp như: sử dụng vôi bột (CaCO3) hoặc Dolomite (CaMg(CO3)2) hòa tan vào nước và tạt định kỳ cho ao nuôi, liều lượng 2 - 4 kg/100m3 nước, định kỳ 7 - 10 ngày/lần. Có thể sử dụng một số chế phẩm khác như: Zeolite để hấp thu các độc tố (NH3, H2S), làm sạch nền đáy, men vi sinh, định kỳ 7 - 10 ngày/lần.

Trong quá trình thực hiện Khuyến cáo mùa vụ nuôi thủy sản trên ruộng lúa và các biện pháp quản lý nuôi thủy sản trong mùa mưa năm 2023, nếu có phát sinh các khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang 

- Địa chỉ: Số 27, đường Võ Văn Kiệt, khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

- Điện thoại: 02933.878.981./.

(Đính kèm Văn bản Khuyến cáo)

 

 

Nguyễn Đăng Khoa
Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc