18/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang thông báo Khuyến cáo lịch mùa vụ nuôi thủy sản năm 2023
 407
 20/02/2023
Tình hình thời tiết năm 2023 được dự báo diễn biến phức tạp, có nhiều tác động bất lợi đến việc phát triển nuôi thủy sản cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng. Để hạn chế tình trạng nêu trên, đồng thời kiểm soát dịch bệnh và phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn, bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng Thông báo khuyến cáo lịch mùa vụ nuôi thuỷ sản năm 2023 đối với từng đối tượng và hình thức thả nuôi trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Lịch mùa vụ nuôi một số đối tượng thủy sản:

          Cá tra: Mật độ thả: không quá 60 con/m2. Thời gian thả giống: từ tháng 2 đến tháng 9 (dương lịch). Một số địa phương có điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả nuôi quanh năm.

           Cá thát lát: Mật độ thả giống: 20 - 40 con/m2. Thời gian thả giống: tốt nhất từ tháng 4 đến tháng 7 (dương lịch).

           Cá rô đồng, cá lóc, cá trê:  Mật độ thả: không quá 100 con/m2. Thời gian thả giống: tốt nhất từ tháng 5 đến tháng 9 (dương lịch).

         Các loài cá nước ngọt khác (cá chép, trôi, mè, trắm, rô phi,…): Mật độ thả giống dưới 10 con/m2. Thả ghép nhiều đối tượng, sống theo từng tầng nước, các đối tượng phụ có thể tận dụng thức ăn dư thừa của đối tượng nuôi chính. Thời gian thả giống: quanh năm.

          Lươn đồng: Khuyến khích sử dụng con giống nhân tạo để đảm bảo chất lượng, kích cỡ đồng đều. Mật độ thả 200 - 300 con/m2, kích cỡ giống khoảng 300 - 500 con/kg. Thời gian thả giống: tốt nhất từ tháng 4 đến tháng 9 (dương lịch).

          Thủy đặc sản khác (cá chình, cua đinh, baba, chạch lấu…):

          - Thả riêng từng loài với mật độ:

          + Cá chình (cỡ giống 100 g/con) thả 3 - 4 con/m2.

          + Cua đinh: 1 - 2 con/m2.

          + Baba: cỡ giống 50 - 100 g/con thả 10 - 15 con/m2; cỡ giống 200 g/con thả 5 - 8 con/m2.

          + Chạch lấu: mật độ thả nuôi trong ao 2 - 3 con/m2; trong vèo 15 - 20 con/m3.

          - Thời gian thả giống: quanh năm.

          Nuôi thủy sản trên ruộng lúa: 

          - Nuôi cá trên ruộng lúa: nên nuôi ghép nhiều đối tượng, đối tượng nuôi chính nên chiếm trên 50% mật độ nuôi. Mật độ thả từ 1 - 3 con/m2, thả > 3 con/m2 phải bổ sung thức ăn. Thời gian thả giống: từ tháng 4 đến tháng 8 (dương lịch). Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương và tình hình mực nước trên ruộng để điều chỉnh thời gian thả cá ruộng cho phù hợp.

          - Nuôi tôm trên ruộng lúa: thả giống từ tháng 3 đến tháng 5 (dương lịch) tùy theo diễn biến độ mặn thực tế.

          + Hình thức nuôi quảng canh, không bổ sung thêm thức ăn cho tôm, mật độ thả nuôi không quá 2 con/m2.

          + Hình thức nuôi quảng canh cải tiến, có bổ sung thêm thức ăn cho tôm, mật độ thả nuôi không quá 4 con/m2.

          Nuôi thủy sản trong lồng, vèo: Đối tượng nuôi: cá lóc, cá thát lát, cá trê, ếch,…. Mật độ thả: 60 - 100 con/m3. Thời gian thả giống: tốt nhất từ tháng 4 đến tháng 9 (dương lịch).

          Trong quá trình thực hiện và áp dụng khuyến cáo lịch mùa vụ nuôi thủy sản 2023, nếu có phát sinh các khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang - Địa chỉ: Số 27, đường Võ Văn Kiệt, khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Điện thoại: 02933.878.981.

(Đính kèm chi tiết Thông báo Khuyến cáo lịch mùa vụ nuôi thủy sản năm 2023)

Nguyễn Thị Thăm
Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc