27/07/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Châu Thành A: Hiệu quả cao từ mô hình khuyến nông “Trồng mít theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm”
 302
 23/02/2024
Vườn mít sắp thu hoạch của Ông Nguyễn Viết Hùng - xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Vườn mít sắp thu hoạch của Ông Nguyễn Viết Hùng - xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay, thị trường sản phẩm của người nông dân hay gặp phải đó là được mùa thì mất giá, có giá thì hết mùa. Bên cạnh đó, do sản xuất liên tục quanh năm dịch hại, sâu bệnh gây ra làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hàng nông sản. Để đảm bảo năng suất vườn cây ổn định và cho thu nhập cao là biện pháp được rất nhiều nhà vườn lựa chọn và thực hiện.

Trong thời gian qua, mít thái hay còn gọi là mít siêu sớm được người dân trồng rất nhiều vì mau cho thu hoạch và bán được giá cao, có khi đỉnh điểm giá lên đến 45 – 50 ngàn đồng/kg đem lại thu nhập rất cao cho bà con nông dân. Nhưng thời điểm giá cao thì nhà vườn không có trái mít để bán, vườn nào có thì trái cũng bị nhiễm bệnh sơ đen, tỉ lệ trái đạt yêu cầu rất ít, theo đánh giá nhà vườn 10 trái còn 1 đến 2 trái đạt yêu cầu nên người dân thường bị thất thu trong thu hoạch.

Đầu năm 2023, Ông Nguyễn Viết Hùng ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh được Trạm khuyến nông huyện Châu Thành A, hướng dẫn tư vấn kỹ thuật và tham gia thực hiện mô hình trồng mít theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao gia trị sản phẩm, giờ đây vườn nhà ông cho thu nhập cao hơn các hộ dân trồng mít xung quanh.

Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết “Năm trước do chưa nắm kỹ thuật tôi hay để trái ngay vụ vào mùa mưa nên khi thu hoạch 90% trái bị sơ đen, thương lái bỏ không lấy hàng và trái bỏ rải rác trong vườn, năm nay với hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, lúc ra hoa đậu trái trong mùa mưa tôi lặt bỏ hết, và thu gom những trái hư, trái tuyển bỏ gom lại xử lý và sử dụng thêm phân hữu cơ vi sinh bón cho vườn, để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây, bên cạnh đó sử dụng phân lân supper để cây tạo mầm hoa ra trái đồng loạt, hạn chế sử dụng phân hoá học, thuốc BVTV theo hướng dẫn của cán bộ thực hiện mô hình, ghi chép nhật ký để lưu lại, theo dõi công việc mình đã làm”.

Qua 8 tháng thực hiện mô hình, nhờ sự mạnh dạn thay đổi thói quen sản xuất cũ áp dụng theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, giờ đây vườn mít nhà chú bắt đầu cho thu hoạch, so với các vườn lân cận thì vườn Ông Hùng thu hoạch trễ hơn. Với diện tích của Ông Hùng là 1ha, qua chăm sóc theo dõi và bao trái có trên 10.000 trái, các trái đều đạt loại 1 theo đánh giá của thương lái, giá hiện nay là 28.000đ/1kg, trong vụ này vườn nhà Ông cho thu hoạch gần 300 triệu đồng, so với các hộ xung quanh, hộ Ông Hùng cho lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 lần.

Ông Hùng cho biết thêm “so với vụ rồi thì năng suất vụ này tôi thấy trái nhiều hơn, đẹp hơn, tỉ lệ trái đạt loại 1 nhiều, không bị méo mó, sử dụng thuốc BVTV lại ít hơn, tại thời điểm này cành lá xanh tốt đủ dinh dưỡng cho cây nuôi trái”. Nổi bật nhất đó là việc thay đổi kỹ thuật, hạn chế bón phân hoá học, giữ mực nước ổn định và tăng cường sử dụng phân hữu cơ nên vườn cây nhà Ông Hùng giờ đây lúc nào cũng xanh tươi hơn các vườn lân cận.

Từ những hiệu quả thiết thực mang lại từ việc tham gia mô hình, chịu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, người làm vườn đã hướng tới việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất và áp dụng các biện pháp sinh học trong quản lý sâu, bệnh hại, ghi chép nhật ký canh tác. Thực hiện mô hình đã giúp cho nhà vườn quản lý được chi phí đầu tư và công chăm sóc, hạn chế được sâu, bệnh hại, đem lại thu nhập cao ổn định cho gia đình, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, ngày càng ổn định và bền vững.

Trần Hoàng Vũ
Khuyến nông xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A

Ý kiến bạn đọc

Nội dung chính
Hiển thị video trang chủ

Video Khuyến nông