29/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
TPCT: Trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo Chuyên đề "Canh tác Đậu nành trên đất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long"
 478
 06/11/2023
Ông Lê Minh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Minh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp phát biểu tại hội thảo

Ngày 20/10 tại Trường Nông nghiệp- Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Canh tác đậu nành trên đất lúa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long”. Hội thảo đã giới thiệu một số giải pháp kỹ thuật, quy trình canh tác, tiêu chí lựa chọn phát triển vùng trồng đậu nành trên đất lúa do Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Vinasoy tổ chức.

Tại hội thảo có PGS.TS Lê Văn Vàng – Hiệu Trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Khang – Phó Hiệu Trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ; TS. Nguyễn Lộc Hiền – Trưởng Khoa Di truyền và chọn giống cây trồng, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ; TS. Nguyễn Phước Đằng – Nguyên Giảng viên Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cùng Quý Thầy Cô, nghiên cứu sinh và sinh viên cao học đến từ Khoa Di truyền và chọn giống cây trồng; Đại diện, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng, đại diện Lãnh đạo một số Phòng Nông nghiệp đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ; đại diện Tổ hợp tác Sản xuất đậu nành và về phía Vinasoy có TS. Lê Hoàng Duy - GĐ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) và các thành viên Vinasoy. Riêng tại Hậu Giang có Ông Lê Minh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp và viên chức Phòng Kỹ - TRung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang tham dự.

Theo TS. Lê Hoàng Duy chia sẻ: “Hội thảo được tổ chức nhằm giúp đại biểu tham dự có cái nhìn tổng quan hơn về hiện trạng sản xuất đậu nành hiện nay, từ đó thảo luận và đưa ra phương hướng hiệu quả trong vấn đề canh tác đậu nành trên đất lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”. TS. Lê Hoàng Duy còn cho biết rằng đậu nành nên được sản xuất và canh tác trên đất lúa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long vì khi áp dụng được biện pháp luân canh giữa đậu nành và lúa một cách hiệu quả sẽ mang lại năng suất cao cho nông dân.

Cũng chia sẽ tại hội thảo TS. Nguyễn Phước Đằng - Nguyên Giảng viên Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ trình bày. Theo đó, hiện trạng canh tác đậu nành đang phải chịu một số tác động nhất định như: giá lúa tăng cao dẫn đến việc trồng luân canh giữa đậu nành và lúa là rất khó khăn, vì nông dân phải tốn nhiều chi phí để nhập lúa và đậu nành để luân canh giữa các vụ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đậu nành làm thực phẩm hằng ngày vẫn chưa cao, đậu nành chủ yếu được dùng làm thức ăn trong ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân chủ yến dẫn đến tình trạng canh tác đậu nành vẫn chưa được ưa chuộng đó là do ứng dụng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất vẫn còn thấp, đầu ra vẫn chưa ổn định, giá thành sản xuất cao hơn so với giá bán ra. Mặt khác, nếu có thể áp dụng được mô hình Canh tác đậu nành trên đất lúa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền nông nghiệp tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, có thể kể đến như: tạo ra việc làm cho nông dân, cung cấp nguồn dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo PGS.TS Lê Văn Vàng – Hiệu Trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cũng có một số ý kiến đóng góp tại hội thảo, cụ thể: “Để có thể thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu thì việc thay đổi mô hình canh tác để phù hợp hơn với tình trạng thực tế hiện nay là điều cần thiết. Đồng thời, nhu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, nếu như trước đây những sản phẩm có giá thành cao là không phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người tiêu dùng, thì hiện nay khi mức sống ngày càng cao đã khiến mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là chất lượng sản phẩm chứ không còn là giá thành sản phẩm. Hiểu được nhu cầu đó, Vinasoy đã có bước đón đầu và hướng đến mô hình sản xuất đậu nành đảm bảo tính sản xuất bền vững, tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra”.

Tham dự và phát biểu tại thảo ông Lê Minh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, Hậu Giang cũng là nơi phù hợp cho việc canh tác Đậu nành. Đồng thời, cũng phù hợp với chương trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng "2 lúa 1 màu" để cải tạo đất và tăng hiệu quả canh tác độc canh cây lúa. Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý rằng là cần phải có liên kết bao tiêu chặt chẽ để người dân ổn định và an tâm sản xuất và hướng đến canh tác ngày càng bền vững hơn.

Hội thảo chuyên đề “Canh tác đậu nành trên đất lúa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long” đã giúp đại biểu tham dự có được góc nhìn tổng quan hơn về vấn đề canh tác đậu nành tại Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay. Từ đó, đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu suất canh tác giúp gia tăng sản lượng đầu ra, đồng thời phát triển mô hình Canh tác đậu nành trên đất lúa một cách hiệu quả hơn./.

Triệu Quốc Dương
Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc