27/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Vị Thuỷ: Hiệu quả từ mô hình trồng nấm bào ngư
 1310
 17/03/2023
Ảnh: Chị Mai Thị Mỹ Xuyên chăm sóc nấm bào ngư

Ảnh: Chị Mai Thị Mỹ Xuyên chăm sóc nấm bào ngư

Nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch, vì quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Loại nấm này đang được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn.

Tuy mới phát triển mấy năm gần đây nhưng mô hình trồng nấm bào ngư mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân, hơn nữa, lại là một trong những loại nấm dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh. Dựa vào những đặc tính như trên, chị Mai Thị Mỹ Xuyên, ấp 4 xã Vị Thuỷ đã và đang trồng thử nghiệm nấm bào ngư, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chi Xuyên chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thống làm nghề nông. Mấy năm gần đây thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả lại không ổn định, việc trồng lúa thất bát, nhờ sự hướng dẫn của người quen nên gia đình tôi chuyển sang trồng nấm. Ban đầu, chúng tôi chỉ trồng ít xem như thử nghiệm. Sau một thời gian, nhận thấy năng suất thu hoạch nấm cao, đầu ra khá ổn định, mang lại giá trị kinh tế hiệu quả, nên gia đình tôi chuyển hẳn sang trồng nấm cho đến nay. Hiện tại, gia đình chị có 10.000 phôi nấm đã cho lên kệ đang trong giai đoạn thu hoạch.

Theo chị Xuyên, trồng nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt (3-4 tháng), chi phí đầu tư cũng không cao. Nguồn phôi nấm cũng không khó tìm, hiện nay, tại tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận đều có sản xuất. Trồng nấm bào ngư có 2 cách, chủ yếu là chất phôi lên kệ và treo bằng dây. Cách nào cũng có cái hay riêng nhưng chị chọn cách chất phôi lên kệ. Kệ được làm gỗ hoặc sắt, cao từ 1,6-1,8m. Mỗi kệ có thể chất 5 lớp phôi. Về nhà nấm thiết kế phải tuyệt đối sạch sẽ, tránh xa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nguồn nước tưới phải sạch, nhà trồng che chắn kỹ, bao lưới tuyệt đối chắn được côn trùng... Còn về kỹ thuật, Chị Xuyên cho biết, trồng nấm bào ngư không khó, kỹ thuật trồng rất đơn giản, nhẹ công chăm sóc, nhưng cần sự tỉ mỉ, siêng năng của người làm nghề. Quan trọng nhất là phải nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường...

Ngoài ra, sau mỗi đợt thu hoạch phải vệ sinh nắp phôi nhằm hạn chế các loại bệnh gây hại. Bệnh trên nấm bào ngư chủ yếu là mốc đen, mốc xanh, mốc cam. Các loại bệnh này không phải do môi trường, chủ yếu là do meo và phôi nấm nên trong quá trình trồng cần phải lựa chọn những nhà cung ứng uy tín, chất lượng.

Phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 02 tháng mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày mở nắp ra, sau đó tưới nước cho có độ ẩm để nấm dễ mọc, một ngày tưới nước 01 - 02 lần. Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tiến hành tháo nút, khoảng 06 ngày sau nấm bắt đầu mọc ra, tùy theo kích cỡ nấm mà tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch nấm xong thì tiến hành vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp phôi lại tiếp tục tiến hành tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 10-15 ngày sau là bắt đầu cho thu hoạch lứa tiếp theo. Đặc biệt nên thu hoạch vào sáng sớm nhằm đảm bảo nấm được tươi và bán cho thương lái được giá cao.

Hiện nay, tại các chợ nông thôn và khu vực huyện, thị xã, nấm thương phẩm có giá bán lẻ từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, thương lái thu mua tại nhà có giá hơn 50.000 đồng/kg. Qua mỗi ngày thu hoạch nấm trên 20kg, gia đình chị Xuyên thu trên một triệu đồng. Nếu so với các loại cây trồng mà nông dân xã Vị Thuỷ trồng trước đây như lúa và rau màu thì trồng nấm chỉ cực vào lúc thu hoạch và xử lý nắp phôi. Đối với không gian để trồng nấm bào ngư, nông dân có thể tận dụng hiên nhà làm nơi nuôi trồng nấm.

Mặc dù đây là mô hình mới trồng thử nghiệm, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Vị Thuỷ.

Theo ông Lê Vũ Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Vị Thủy cho biết: Thực hiện chuyên đề “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, thời gian qua trên địa bàn xã Vị Thủy đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình là mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình chị Mai Thị Mỹ Xuyên, ấp 4 xã Vị Thủy. Với mô hình này đã giúp gia đình chị tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ có kế hoạch cụ thể tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo điều kiện để nông dân của xã phát triển kinh tế hộ gia đình một cách bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. 

Với điều kiện đất đai, khí hậu tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, nông dân xã Vị Thuỷ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mô hình trồng nấm bào ngư đang là thị trường tiềm năng, mở ra hướng đi mới, giúp nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Hình ảnh khác của mô hình trồng nấm bào ngư

Ảnh: Nấm Bào ngư chuẩn bị thu hoạch

Trần Trí Hiếu
Khuyến nông viên - xã Vị Thủy huyện Vị Thủy

Ý kiến bạn đọc