Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là chuyển đổi cây màu trên nền đất lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu cho đất mà còn góp phần tăng cao thu nhập cho người nông dân. So với nhiều loại cây trồng khác, trong đó cây bắp được nông dân xã Thuận Hưng chọn để chuyển đổi với ưu điểm là loại cây ngắn ngày, dễ trồng và có nguồn thu nhập khá ổn định.
Đến với Anh Nguyễn Văn Chậm ngụ ấp 6, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng bắp ăn trái. Anh Chậm chia sẻ: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và được tham quan trao đổi kinh nghiệm thực tế ở nhiều mô hình trong xã, anh Chậm đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng bắp với diện tích 0,35 ha. Sau hơn hai tháng gieo trồng anh thu hoạch được 6 tấn trái và bán với giá 10.000/Kg. Sau khi trừ tất cả chi phí anh Chậm còn lợi nhuận 15.000.000 đồng, bình quân mỗi năm anh trồng luân canh 3 vụ. Đây cũng là một ưu điểm gắn kết cây bắp với nông dân trong xã.
Bắp là loại cây có hệ rễ phát triển mạnh, khỏe và lấy dinh dưỡng trong đất tốt, nếu trồng nhiều vụ trong nhiều năm trên một diện tích thì cần phải chăm bồi lại cho đất, góp phần hạn chế rất lớn các đối tượng dịch hại trong đất. Tuy nhiên cũng có một vài khó khăn mà người trồng bắp thường gặp phải là các loại sâu đục thân, đục trái gây hại vào những ngày đầu sau khi gieo giống. Muốn cây đạt năng suất cao, phải bón đủ lượng phân và khi bón phân phải dựa vào mùa vụ, khả năng phát triển của rễ, thân, đồng thời phải dựa vào hàm lượng dinh dưỡng trong đất. Vì vậy người trồng bắp cần phải có quy trình bón phân hợp lý cho cây bắp, thường sử dụng các loại: đạm ure, phân chuồng, supe lân, kali, regent hai lúa đỏ...
Có thể nói mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là mô hình trồng bắp đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân trong xã. Từ đó góp phần tạo thêm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.