22/12/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
Toạ đàm nhịp cầu nhà nông “Giải pháp phát triển mô hình cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa”
 58
 28/11/2024
Ảnh. Các diễn giả tham gia tại chương trình

Ảnh. Các diễn giả tham gia tại chương trình

Ngày 22/11/2024, Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang tổ chức phát sóng trực tiếp Chương trình tọa đàm nhịp cầu nhà nông với chủ đề: “Giải pháp phát triển mô hình cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa”.

Diễn giả tham gia Chương trình gồm có: ông Lê Minh Thắng – PGĐ. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và bà Đào Thị Như Hè – Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng. 

Nội dung tọa đàm được các diễn giả chia sẻ xoay quanh các vấn đề về: việc ứng dụng cơ giới hóa ở tỉnh Hậu Giang; Các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển cơ giới hóa của tỉnh và của ngành nông nghiệp; lợi ích việc ứng dụng cơ giới trong các khâu sản xuất đối với quá trình sinh trưởng, phát triển cây lúa và hiệu quả của ứng dụng cơ giới trong sạ thưa, sạ cụm so với phương pháp sạ lan; giới thiệu một số loại máy móc phục vụ sản xuất phù hợp điều kiện ruộng lúa của tỉnh Hậu Giang và khu vực ĐBSCL, ...Ngoài ra, khán giả xem đài cũng rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi gọi về Chương trình để giao lưu cùng các diễn giả. 

Từ thực tế cho thấy: Qua các mô hình sản xuất tiên tiến như mô hình sản xuất lúa thông minh, mô hình cách đồng không dấu chân và các mô hình mạ khây máy cấy, sạ hàng, sạ lan, sạ cụm cho thấy hiệu quả vượt trội của việc gieo sạ theo hàng, cấy hoặc sạ cụm. Kết quả cho thấy ở cùng mật độ sạ thưa 70kg/ha thì cấy, sạ hàng, sạ cụm hiệu quả cao hơn rõ rệt so với sạ lan. Do hiệu ứng hàng biên khi gieo theo hàng, cụm thì cây lúa nhận ánh sáng tốt nhất vì ánh sáng chiếu xuống ở mọi góc độ vẫn lọt xuống thân lá tầng dưới gốc lúa. Nhờ vậy, lúa quang hợp tốt hơn, cây lúa mạnh khỏe hơn, sử dụng chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, vận chuyển và tích lũy các chất hữu cơ tốt hơn, tăng sức đề kháng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn hẳn so với với lúa sạ lan. Bên cạnh đó, sạ cấy lúa theo cụm tạo được sự thông thoáng tối đa ở tầng dưới gốc lúa làm hạn chế sự phát triển của sâu bệnh. Từ đó giúp nông dân giảm phân, thuốc mà vẫn cho năng suất cao hơn.

Hiện nay, tỷ lệ áp dụng cơ giới trong sản xuất của bà con tăng lên đáng kể. Đặc biệt là khâu làm đất, phun thuốc BVTV và thu hoạch. Nông dân đã thực hiện giảm lượng giống gieo sạ rất tốt tuy nhiên tỷ lệ sạ thưa còn rất thấp (Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, tại thời điểm vụ Thu Đông 2023, lượng giống gieo sạ dưới 100 kg/ha mới chỉ chiếm 15,35%, lượng giống gieo sạ 100 – 150 kg/ha chiếm 72,25% và lượng giống gieo sạ trên 150 kg/ha chiếm 12,40%). Nguyên nhân chủ yếu của việc chưa dám sạ thưa của bà con được xác định là do mặt ruộng chưa bằng phẳng. Hiện nay đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất 100% tuy nhiên, chỉ tập trung khâu trục, xới, đánh rảnh, ... chưa quan tâm nhiều đến việc trang phẳng mặt ruộng.

Theo ông Lê Minh Thắng: Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng suất lao động trên cùng một diện tích canh tác mà còn hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện và bền vững. Cơ giới hóa đồng bộ đang là chìa khóa nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang rất quan tâm đến việc ứng dụng cơ giới hóa bằng chứng là đã có rất nhiều chương trình, đề án, dự án được triển khai hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, tỷ lệ cơ giới hóa từng khâu sản xuất những năm gần đây tăng rõ rệch. Điều đó cho thấy sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của người dân do bà con cũng nhận thấy được hiệu quả vượt trội của việc ứng dụng cơ giới hóa. Thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều dự án, đề án khác ra đời hỗ trợ cho người dân như dự án xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp, Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, .... mong rằng bà con nông dân trong thời gian tới tiếp tục tham gia tích cực các chương trình, đề án, dự án. Đặc biệt đề án 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; người dân cần quan tâm hơn cho việc trang phẳng mặt ruộng, cải tạo đồng ruộng tích cực tham gia vào các tổ chức nông dân như Tổ hợp tác, HTX nhằm tạo sự đồng loạt trong quy trình sản xuất tăng diện tích cơ giới hóa khi các hộ liền kề cùng thực hiện. Bên cạnh đó, cần tuân thủ lịch xuống giống vụ Đông Xuân 2024 - 2025 của ngành nông nghiệp đã khuyến cáo./.

Ngô Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc

Video Khuyến nông