Trong thời buổi kinh tế phát triển như hiện nay, nhiều nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Anh Nguyễn Duy Quang tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giàu lên từ trồng cây ổi ruột hồng.
Anh Quang cho biết, khi lập gia đình, ra ở riêng anh được cha mẹ cho 0,9 ha đất trồng vườn tạp mặc dù anh chịu khó làm lụng, chi xài tiết kiệm nhưng vẫn không chỉ đủ chi tiêu cho gia đình và lo cho các con ăn học. Đến đầu năm 2023, thông qua bạn bè giới thiệu anh đã mạnh dạng đầu tư trồng 0,9 ha ổi ruột hồng.
Anh đến Công ty Cổ phần vườn trái cây Cửu Long đặt mua 1.600 nhánh giống ổi ruột hồng với giá 10.000 đồng/nhánh, khi mua anh chỉ trả 30% tiền cây giống, 70% còn lại thì sau 2 năm trả dần cho Công ty và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty với giá 4.500 đồng/kg không phân loại trái.
Nhờ Công ty hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi ruột hồng, nên chỉ sau 8 tháng, vườn ổi của anh đã cho trái sum suê. Bình quân mỗi tháng anh hái trái 8 – 9 lần từ 5 – 6 tấn trái, giá bán bao tiêu 4.500 đồng/kg, mỗi tháng ông thu nhập hơn 25 triệu đồng, khấu trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi tháng anh mang về lợi nhuận hơn 18 triệu đồng.
Theo anh Quang, ổi ruột hồng là loại cây dễ trồng, mau cho trái và không kén đất. Nếu được chăm sóc tốt, ổi cho trái quanh năm và cho năng suất cao. Đặc biệt trái có nhiều nước, ruột màu hồng, ít hạt ăn rất thơm ngon có vị ngọt.
Anh Quang cũng chia sẻ thêm thời kỳ Ổi ra hoa phải chăm sóc, bón phân đúng định kỳ, đặc biệt là giai đoạn mới ra hoa, thường xuyên phải vun xới gốc cho đất tơi xốp và thường xuyên tưới nước để cây phát triển. Khi quả được 10-15 ngày thì dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả nhằm hạn chế sâu bệnh nên Ổi của gia đình anh không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, vừa bảo vệ sức khỏe cho người trồng, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó anh cũng cần thực hiện biện pháp bấm ngọn Ổi, tỉa cành để hạn chế sự phát triển của cành và lá, dồn chất dinh dưỡng cho quả phát triển.