31/10/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kỹ thuật trồng nhãn Ido
 4
 31/10/2024
Trái nhãn Ido có vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt và thơm

Trái nhãn Ido có vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt và thơm

Nhãn là một loại cây ăn quả cận nhiệt đới lâu năm thuộc họ Bồ hòn, xuất phát từ miền nam Trung Quốc. Nó được trồng phổ biến ở nhiều nước như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Trong số các loại nhãn, giống nhãn Ido đã trở thành một cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Quả có vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt và thơm, đặc biệt, kháng rất tốt bệnh chổi rồng là những đặc tính vượt trội của giống Ido so với nhiều loại nhãn khác. Bên cạnh đó, giá bán cao dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg, cũng là lợi thế lớn giúp giống nhãn ido được nhiều bà con khu vực ĐBSCL ưu tiên lựa chọn để phát triển.

1 Các yếu tố ảnh hưởng đến việc trồng nhãn Ido:

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kỹ thuật trồng nhãn Ido, bao gồm:

- Đất đai

- Thời vụ

- Mật độ trồng

- Phương pháp trồng

Nhãn Ido có tốc độ sinh trưởng chậm trong hai năm đầu, vì vậy việc lựa chọn đất trồng có ý nghĩa quan trọng. Đối với nhãn Ido, đất cát, cát pha, cát giồng, đất cồn và phù sa ven sông với độ pH từ 5-7 là lý tưởng, trong khi đất sét không phù hợp. Ngoài ra, nhãn cũng có thể trồng trên đa dạng loại đất từ vùng nước ngọt đến vùng nước mặn, vì nó là một loại cây ăn quả lâu năm.

Nếu có đủ nước tưới, thì nên trồng nhãn vào cuối mùa mưa, khoảng tháng 10-11 dương lịch, vì mùa nắng sẽ cung cấp đủ ánh sáng cho cây phát triển tốt hơn. Trong trường hợp trồng vào mùa mưa, khoảng tháng 5-6 dương lịch, cần chú ý việc thoát nước vì nếu mưa nhiều, đất có thể bị lèn và gây chết nhãn do nghẹt rễ và thối rễ.

2 Chuẩn bị đất trồng

Nhãn là cây chịu nước kém nên khi chuẩn bị đất trồng nên lựa chọn mô đất cao và đắp thành hình tròn rộng từ 60-80 cm, cao 50-70 cm. Đất trong mô nên được trộn với 10-15 kg phân chuồng hoai, tro trấu, và 0,5 kg hỗn hợp phân hữu cơ từ 15-30 ngày trước khi trồng.

Mật độ trồng nhãn nên là khoảng cách 6x5m, 6x6m, tương đương khoảng 300-350 cây/ha. Trong giai đoạn đầu, khi cây chưa phát triển tán lá, có thể trồng xen canh với các cây ngắn ngày.

3 Kỹ thuật trồng

Kỹ thuật trồng nhãn Ido bao gồm việc khoét lỗ trên mô đất phù hợp với bầu cây con, sau đó nhẹ nhàng xé bỏ bọc nylon và đặt bầu cây vào lỗ sao cho cổ rễ cân đối hoặc thấp hơn mặt đất khoảng 2-3 cm. Sau đó, lấp đất lại, ém đất xung quanh gốc, cắm cọc để buộc cây con và tưới đủ nước. Cần duy trì độ ẩm cho cây thường xuyên.

4 Cách chăm sóc cây nhãn Ido

Tỉa cành tạo tán

Để đảm bảo sự phát triển tốt và tránh các bệnh hại, cần thiết kế cây nhãn Ido để có tán cân đối. Tỉa cành giúp cây thông thoáng, hạn chế rậm rạp, nấm bệnh và côn trùng trú ẩn. Đặc biệt, giai đoạn mang hoa trái sẽ giảm thiểu sự tác động của sâu bệnh đáng kể.

Kỹ thuật canh tác, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa, quản lý dinh dưỡng và dịch hại hợp lý rất quan trọng. Vì sẽ quyết định năng suất, chất lượng nhãn Ido. Do đó, quá trình canh tác, bà con cần lưu ý nắm vững. Cụ thể:

Việc tỉa cành: Nhà vườn cần cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, ốm yếu, bị che khuất bên trong tán cây nhằm tạo cho tán cây thông thoáng, kích thích cây ra nhiều chồi mới.

- Bón phân kích thích các cơi đọt ra tập trung phát triển tốt: Bón phân chuyên dùng cho cây ăn trái hoặc NPK có hàm lượng đạm cao như NPK Đầu Trâu 20-20-15+TE. Kết hợp bón phân hữu cơ, với liều lượng 2 tấn/ha sẽ giúp cây cho ra đọt non mập.

 - Song song đó, cũng cần chú ý phun thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại khi ra đọt non.

 Giai đoạn Xử lý ra hoa cần chú ý:

- Khi cơi đọt thứ ba chuyển sang màu xanh đọt chuối (tức từ 37 đến 39 ngày tuổi) tiếp tục phun MKP nồng độ 0,5% (40g/8 lít nước), việc này sẽ giúp cây cho lá già đồng loạt.

- Sau khi phun MKP được từ 5 đến 7 ngày, lúc này lá chuyển từ màu xanh đọt chuối sang màu xanh nhạt thì cần dọn sạch lá, cỏ xung quanh gốc, tưới nước trước khi xử lý 1 - 2 ngày để tạo độ ẩm cho gốc. Sau đó, hoà tan 300 – 400 gram kali clorat (KClO3) vào 35 - 40 lít nước, tưới đều xung quanh tán cây, tưới nước đảm bảo độ ẩm đất giúp thuốc ngấm đều vào vùng rễ cây.

- Khi cây ra hoa cần phun ngừa một số sâu, bệnh như: Sâu ăn bông, bệnh khô cháy hoa. Chú ý chỉ phun thuốc trước khi ra hoa nở 5 - 7 ngày. Không nên phun thuốc trừ sâu, bệnh khi hoa đang nở sẽ làm rụng hoa.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý: Do sau khi xử lý thuốc đầu rễ của cây đã bị chết, nên khả năng hút chất dinh dưỡng cho cây, nuôi trái kém đi. Để trái được cây nuôi dưỡng tốt cần phải tạo thuận lợi cho ra rễ mới bằng cách tưới vào vùng tán cây đã tưới thuốc chất kích thích ra rễ các loại phân hữu cơ khoáng.

Cây nhãn với đặc tính ra hai cơi đọt mới ra hoa, vì vậy, nhà vườn có thể bón thêm một lần phân gốc khi cơi đọt 1 đã già, cơi đọt 2 chuẩn bị nhú. Cụ thể, để dưỡng đọt, bà con nên bổ sung thêm các loại phân bón lá có tác dụng kích phát đọt như 30-30 - 30 + TE, phân amino acid…nhằm giúp đọt phát triển mạnh và cân đối, nhanh bước vào thời kỳ ra hoa.

Để kích thích cây phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt, bà con cần bón phân gốc với tỷ lệ lân và kali cao, đạm thấp vào thời điểm cơi đọt 2 chuyển già. Đồng thời cần xiết nước để hạn chế phát đọt mới và phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng lân cao như 6-30-30 +TE và phân có vi lượng Bo cao để kích thích phân hóa tạo mầm hoa và kích thích hạt phấn phát triển.

Sau đậu trái khoảng 1 tuần cần phun phân bón lá có hàm lượng Bo cao để chống rụng trái non. Sau đậu trái khoảng 1 tháng cần bón phân NPK Đầu Trâu 16-16-16 hoặc Đầu Trâu AT3 để dưỡng trái. Việc bón phân gốc cần định kỳ 1,5-2 tháng/lần cho đến trước thu hoạch 1 tháng. Trong thời kỳ cây mang trái cần phun bổ sung các loại phân bón có đạm và kali cao như 10-5-45 và các loại phân có hàm lượng canxi cao nhằm giúp trái lớn đều, chống nứt, nám, thối trái.

Ngoài ra, cây nhãn Ido thường đậu trái rất sai, nên cần tiến hành tỉa bớt trái ở thời điểm 1 tháng sau đậu trái. Các chùm trái được tỉa bỏ bao gồm các chùm trên các cành nhỏ khuất trong tán, chùm trỗ trước hoặc sau lứa rộ, chùm ở đỉnh ngọn. Số trái chừa lại ở nhãn 3 năm tuổi khoảng 25 kg trái/cây. Ngoài tỉa bỏ các chùm trái ở vị trí xấu, còn tỉa bỏ các trái đèo trên chùm hoặc tỉa bớt trái trên các chùm quá sai để đảm bảo độ lớn và đồng đều của trái đạt tiêu chuẩn thị trường yêu cầu. Đồng thời cũng cần chằng chóng, nhất là vào mùa mưa để tránh cây bị gãy cành, đảm bảo năng suất.

Các loại sâu hại thường

Các loại sâu hại thường gặp trên cây nhãn bao gồm bọ cánh cứng và rệp sáp. Chúng gây ảnh hưởng đáng kể đến quang hợp và tổng hợp chất dinh dưỡng của cây. Việc kiểm tra và phát hiện kịp thời các sâu hại là rất quan trọng để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây.

Tưới nước

Trong giai đoạn ra hoa và đậu quả của nhãn, cần chú ý giữ chế độ tưới nước đều đặn và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Đảm bảo rễ cây không bị ngập nước để tránh gây hại cho cây.

Trong tình hình biến đổi khí hậu, nắng hạn gay gắt, việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm vào canh tác đã giúp nhà vườn rất nhiều trong việc tiết giảm chi phí sản xuất, mà vườn cây lại cho năng suất cao.

Thu hoạch

Cuối cùng, việc thu hoạch quả nhãn cũng rất quan trọng. Thời điểm thu hoạch quả nhãn phụ thuộc vào loại và mục đích sử dụng của quả, nhưng thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Quả nhãn có thể thu hoạch khi chúng chín màu đỏ đậm và dễ dàng tách rời từ cành.

Nguyễn Trung Thành
Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh

Ý kiến bạn đọc

Video Khuyến nông