Toạ đàm nhịp cầu nhà nông “Giải pháp phát triển bền vững mô hình nuôi lươn không bùn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”
Ngày 25/10/2024, Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang tổ chức Chương trình tọa đàm nhịp cầu nhà nông với chủ đề: “Giải pháp phát triển bền vững mô hình nuôi lươn không bùn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”. Toạ đàm được thực hiện theo hình thức phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang.
Tham gia giải đáp tại Chương trình gồm có: PGS. TS. Phạm Thanh Liêm – Trưởng khoa - Khoa Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản, Trường Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Đức – Chi cục Trưởng – Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và PTNT Hậu Giang.
Nội dung tọa đàm được các diễn giả chia sẻ xoay quanh các vấn đề như: Ưu, nhược điểm mô hình nuôi lươn không bùn; những lưu ý để nuôi lươn hiệu quả, bền vững; các yếu tố môi trường phù hợp để lươn phát triển; những quy định đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; các yếu tố quan trọng trong cánh cửa hội nhập; công nghệ tuần hoàn nước và tiêu chuẩn GAP… Ngoài ra, khán giả xem đài cũng rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi gọi về Chương trình để giao lưu cùng các diễn giả. Các nội dung được quan tâm nhiều như: Quản lý môi trường, chế độ dinh dưỡng nuôi như thế nào để đảm bảo chất lượng lươn nuôi không bùn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu? tiêu chuẩn quốc tế nào mà người nuôi lươn không bùn cần phải đáp ứng để sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu? Giải pháp nào giúp cho mô hình nuôi lươn phát triển bền vững, giúp người nuôi lươn nâng cao hiệu quả và lợi nhuận?... Các câu hỏi đều được các diễn giả giải đáp tại chương trình.
Theo các diễn giả chia sẽ: Hầu hết các mô hình nuôi lươn hiện nay, chủ yếu nuôi lươn không bùn có sử dụng giá thể: Mật độ thả khá cao, năng suất cao, tuy nhiên còn tiềm ẩn rủi ro như chất lượng nước không ổn định, dễ phát sinh mầm bệnh và tình trạng sử dụng kháng sinh, hoá chất còn nhiều. Sự phát triển quá nhanh dẫn đến nhiều rủi ro về chất lượng con giống, rủi ro về thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Để đảm bảo phát triển bền vững mô hình nuôi lươn không bùn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Về mặt kỹ thuật: Con giống phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng; nuôi theo quy trình kiểm soát được, nguồn nước nuôi đảm bảo không nhiễm hoá chất, kim loại nặng. Trong quá trình nuôi không được sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi phát triển mạnh phải hướng tới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giải quyết đầu ra cho người nuôi lươn.
- Thực hiện quản lý chuỗi, kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.
- Sản phẩm đầu ra đáp ứng được truy xuất được nguồn gốc, có mã số vùng nuôi và người nuôi phải ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Theo Định hướng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển diện tích mặt nước nuôi lươn đến năm 2025 là 100.000m2 (khoảng 10.000 bể), sản lượng đạt 3.000-5.000 tấn. Các mô hình nuôi lươn không bùn Áp dụng công nghệ tuần hoàn nước để sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, các quy trình nuôi theo quy chuẩn thực hành nuôi tốt, trong đó Nhà nước đầu tư hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương khoảng 500 bể. Hậu Giang cũng Xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm lươn Hậu Giang. Kêu gọi các doanh nghiệp, HTX đầu tư công nghệ chế biến đa dạng hóa sản phẩm lươn, liên kết phát triển vùng nguyên liệu.