21/11/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Một số lưu ý khi chăn nuôi vịt Hòa Lan
 145
 31/10/2024
Hình: Vịt giống Hòa Lan được 3 ngày tuổi

Hình: Vịt giống Hòa Lan được 3 ngày tuổi

Nuôi vịt Hòa Lan là một trong những mô hình chăn nuôi gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân khi được áp dụng đúng kỹ thuật và chăm sóc khoa học. Đây là giống vịt có khả năng thích nghi tốt với điều kiện nuôi nhốt, tốc độ tăng trưởng nhanh và cho năng suất trứng cao.

Để đạt hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi vịt Hòa Lan, người nuôi cần chú trọng đến nhiều yếu tố quan trọng như: thiết kế chuồng trại hợp lý, quản lý thức ăn và nước uống đầy đủ, duy trì vệ sinh, tiêm phòng định kỳ và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của đàn. Dưới đây là một số lưu ý để nuôi vịt Hòa Lan thành công:

1. Đặc điểm của giống vịt Hòa Lan

Vịt Hòa Lan có nguồn gốc từ châu Âu du nhập về Việt Nam. Thân hình nhỏ gọn, không quá to, đặc biệt thích hợp với việc chăn nuôi trên các ao hồ và chạy đồng.

Vịt con Hòa Lan khi mới nở có màu sắc lông gần như tương đồng, màu lông ở đầu, cổ, lưng, cánh có lẫn đen, bụng có màu vàng nhạt. Có sọc màu đen chạy dọc từ phần mỏ đến sau gáy, Lông dạng sọc đen đi ngang qua mắt, 4 chấm màu vàng nhạt trải đều trên lưng.

Vịt trưởng thành có điểm phân biệt với các giống vịt địa phương khác bởi 2 sọc màu đen phía trên và dưới mắt. Vịt mái hầu hết có màu lông cánh sẻ nhạt, một số ít (khoảng 2-3%) có màu lông trắng nhạt. Màu mỏ có 2 màu chủ đạo là vàng và xám.

Màu lông đặc trưng của giống vịt này là màu nâu nhạt, có phớt màu tím, ở cổ và cánh có vài cọng lông màu xanh biếc. Chân và mỏ của vịt Hòa Lan có màu xám.

Thời gian sinh sản của vịt mái khoảng 5 tháng tuổi, năng suất trứng mỗi năm đạt 130 – 140 trứng.

2. Ưu điểm và nhược điểm khi chăn nuôi vịt Hòa Lan

- Ưu điểm: Vịt Hà Lan có sinh trưởng tốt, ít bệnh, rất dễ nuôi lớn; Bà con có thể sử dụng nguồn thức ăn có sẵn tại gia đình để tiết kiệm chi phí; Chi phí xây dựng chuồng trại thấp; Giá trứng và thịt thương phẩm cao hơn các loại khác nên hiệu quả kinh tế luôn ổn định ở mức cao cho hộ chăn nuôi.

- Nhược điểm: Do ý thức nuôi tự phát, để các con giống giao phối cận huyết dẫn đến việc cho năng suất thấp; Quá trình chăn nuôi vịt Hà Lan đa phần là do tự phát mà không có quy trình chăn nuôi khoa học nên chưa thật sự phát huy hết giá trị của giống.

3. Chăn nuôi vịt Hòa Lan

3.1. Chuồng trại: 

Chuồng trại nên được thiết kế thoáng mát, sạch sẽ và có hệ thống thông gió tốt. Đảm bảo đủ diện tích cho mỗi con vịt, tránh tình trạng quá chật hẹp gây stress cho vịt. Cần có nơi nghỉ ngơi riêng, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc thời tiết khắc nghiệt. 

Đảm bảo môi trường yên tĩnh, tránh làm vịt hoảng sợ, điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng trứng và tăng trưởng. Chuẩn bị nơi trú ẩn trong trường hợp thời tiết xấu, đặc biệt là mùa mưa bão.

3.2. Nguồn nước: Vịt Hòa Lan cần nước để bơi lội và uống, giúp vịt giữ nhiệt độ cơ thể và giảm căng thẳng. Nên cung cấp nước sạch, thay nước thường xuyên để tránh bệnh tật. Nếu có thể, tạo hồ nhỏ cho vịt tắm hoặc bơi, điều này giúp vịt phát triển tốt hơn.

3.3. Chế độ ăn uống: Thức ăn cần đảm bảo giàu dinh dưỡng, đặc biệt là protein (từ cá, tôm nhỏ, đậu nành). Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp nhưng nên kết hợp thêm cỏ tươi, lúa hoặc các loại hạt để đảm bảo sự phát triển đồng đều. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối. Theo dõi trọng lượng và sự phát triển để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tách vịt trưởng thành và vịt con để tránh xung đột và tăng cường hiệu quả nuôi.

3.4. Chăm sóc sức khỏe: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và khu vực nuôi để ngăn ngừa dịch bệnh. Tiêm phòng định kỳ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, cúm gia cầm. Theo dõi dấu hiệu sức khỏe, phát hiện và cách ly kịp thời các con bị bệnh.

3.5 Phương thức chăn nuôi vịt Hòa Lan

- Nuôi nhốt hoàn toàn: Đây là mô hình nuôi nhốt hoàn toàn, trong khu nuôi có bố trí sân cho vịt hoạt động. Mô hình này sử dụng thức ăn chăn nuôi là chủ yếu, hoặc có thể thay thế bằng lúa, ngô, rau xanh, bèo… để giảm chi phí chăn nuôi.

- Vừa nuôi vừa thả: Mô hình này chủ yếu là thả vịt quanh khu chăn nuôi, chuồng trại chỉ chiếm diện tích nhỏ để vịt che nắng che mưa. Diện tích thả nuôi còn lại được bao bọc bằng lưới hoặc xây hàng rào đơn giản. Thức ăn chủ yếu của vịt Hòa Lan là dạng thức ăn công nghiệp. Tăng cường thêm thóc, ngô, phụ phế phẩm từ nông nghiệp để giảm thiểu chi phí.

- Nuôi vịt chạy đồng: Ở phương thức chăn thả hoàn toàn thì người chăn nuôi thả cho vịt chạy đồng theo mùa vụ nhằm tận dụng được thức ăn rơi vãi, hạn chế chi phí chăn nuôi. Cần phải cho ăn bổ sung thêm mới đảm bảo vịt sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây phương thức này ít được người chăn nuôi áp dụng vì chăn thả chạy đồng khó kiểm soát dịch bệnh. Dạng này chủ yếu là nuôi vịt chạy đồng theo mùa lúa để tận dụng nguồn thóc lúa còn sót lại sau khi gặt. Phương pháp này tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho thức ăn, cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để vịt phát triển tốt. Hạn chế của phương pháp này chính là khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh nguy hiểm, ví dụ như cúm gia cầm H5N1.

3.6. Lịch tiêm vacxin phòng bệnh cho vịt

 Từ 1 – 3 ngày tuổi: Kháng thể/Vaccine  phòng E.coli (bệnh viêm rốn, tiêu chảy) 

 Từ 10 ngày tuổi: Dịch tả vịt (mũi 1) 

 Từ 17 ngày tuổi: Cúm gia cầm (lần 1)

 Từ 24 ngày tuổi: E.coli, Tụ huyết trùng

 Từ 38 – 40 ngày tuổi: Dịch tả vịt (lần 2)

 Từ 45 ngày tuổi:  Cúm gia cầm (lần 2)

Nuôi vịt Hòa Lan không quá khó nhưng cần sự kiên nhẫn và chú trọng vào việc chăm sóc kỹ lưỡng. Hy vọng những lưu ý trên sẽ giúp bà con nuôi vịt hiệu quả và đạt được năng suất cao.

Nguyễn Hoàng Chiến
Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc

Video Khuyến nông