21/11/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Hoạt động khuyến nông trong nước
Hậu Giang: tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và sản xuất lúa kết hợp nuôi cá thuộc dự án Khuyến nông Quốc gia “Xây dựng mô hình canh tác lúa - cá”, năm 2024.
 91
 31/10/2024
Hình ảnh: Bà con nông dân của hai huyện Vị Thủy và huyện Phụng Hiệp tham dự lớp tập huấn

Hình ảnh: Bà con nông dân của hai huyện Vị Thủy và huyện Phụng Hiệp tham dự lớp tập huấn

Ngày 17/10/2024, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức lớp “tập huấn trong mô hình” thuộc dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và huyện Vị Thủy

Dự án triển khai trên địa bàn 2 tỉnh Hậu Giang và Đồng Tháp, thời gian từ 2024-2025. Tại tỉnh Hậu Giang Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa – cá” triển khai tại xã Thạnh Hòa - huyện Phụng Hiệp với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao vụ Đông xuân (có 8 hộ tham gia với diện tích 22,5 ha) và xã Vị Trung, Vị Thủy, Vĩnh Trung và Vị Thắng huyện Vị Thủy với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá (có 4 hộ tham gia với diện tích 7,5 ha vừa sản xuất lúa vừa nuôi cá kết hợp).

Lớp tập huấn với sự tham dự của Lãnh đạo Phòng kỹ thuật, Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp và huyện Vị Thủy và 30 nông dân trong và ngoài mô hình ở huyện Phụng Hiệp và huyện Vị Thủy. Thông qua tập huấn bà con nông dân được nâng cao các kiến thức về kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và qui trình sản xuất 2 vụ lúa kết hợp nuôi cá mùa lũ. Bên cạnh đó, trong buổi tập huấn các hộ cũng được hướng dẫn ghi chép sổ sách nhật ký và cách quản lý mô hình đạt kết quả cao cũng như hình thành cho người dân thói quen sử dụng các chế phẩm vi sinh và hoá chất thân thiện với môi trường (vôi bột, chế phẩm vi sinh xử lý nước và vật chất hữu cơ…) trong nuôi thuỷ sản nói riêng và trong sản xuất nông nghiệp nói chung.

Nuôi cá kết hợp sản xuất lúa trên cùng một diện tích để tận dụng diện tích mặt nước trên đồng ruộng nhằm tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên: ốc con, côn trùng, phụ phẩm trên đồng ruộng… để nuôi cá lóc đầu nhím ghép cá thát lát cườm để giảm chi phí thức ăn, chi phí quản lý sâu bệnh từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm của con cá lóc, thát lát nói riêng và sản phẩm thuỷ sản nói chung. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cá kết hợp sản xuất lúa, cá sẽ ăn các côn trùng trên đồng ruộng trong đó có các đối tượng gây hại trên lúa và tạo ra nguồn hữu cơ tự nhiên từ phân cá thải ra.

Phan Khắc Huy
Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc