Thị xã Long Mỹ: Tổ chức “Lớp học kinh doanh cho nông dân” gọi tắt là lớp FBS thuộc Dự án GIC
Ngày 17-18/10/2024, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ phối hợp Phòng Hành chính - Tổng hợp trực thuộc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức lớp tập huấn lớp học kinh doanh cho nông dân (Dự án GIC), tại phường Thuận An thị xã Long Mỹ.
Đến dự lễ khai giảng có bà Phạm Thị Mỹ Dung –Trưởng phòng Hành chính- Tổng hợp-Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang; bà Lý Thị Thùy Dung-Viên chức kỹ thuật- Trạm Trồng Trọt và BVTV thị xã Long Mỹ đồng thời là giảng viên lớp học và 30 học viên là thành viên của HTX cùng tham dự
Dự án GIC được triển khai tại Hà Nội và 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, được lựa chọn tham gia dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm – GIC” gồm: An Giang, Tp Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án có tổng vốn đầu tư 7.000.000 Euro, do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại. Dự án GIC sẽ được triển khai trên đối tượng cây trồng chính là cây lúa.
Khác với các dự án trước đây đã triển khai trên địa bàn tỉnh, lớp học FBS có phần khác biệt đôi chút như cách trình bày của giảng viên sẽ không trình chiếu mà là dùng phương pháp thuyết trình giấy và cách trao đổi với học viên sẽ được gần gũi hơn bằng cách làm bài tập nhóm và trình bày trước lớp của các nhóm với nhau nhằm giúp học viên dễ tiếp thu bài – nhớ lâu, lớp cũng vui nhộn, sôi nổi hơn làm giảm áp lực trong quá trình học.
Mỗi lớp học có 30 học viên tham dự là thành viên của HTX, người dân sản xuất lúa tại địa bàn, tổ hợp tác và các hộ dân trong khu vực. Qua 02 ngày thực học, giảng viên sẽ trao đổi cùng bà con xoay quanh 11 chuyên đề chính cụ thể:
+ Chuyên đề 0: Khởi động và giới thiệu.
+ Chuyên đề 1: Làm nông có phải là kinh doanh?
+ Chuyên đề 2: Nắm được đơn vị để biết tài sản của nông hộ?
+ Chuyên đề 3: Tiền vào/ tiền ra – Biết được bạn có kinh doanh tốt không?
+ Chuyên đề 4: Ra quyết định để kinh doanh tốt và bền vững;
+ Chuyên đề 5: Nắm bắt cơ hội và quản lý rủi ro trong sản xuất lúa;
+ Chuyên đề 6: Quản lý tiền của bạn trong năm;
+ Chuyên đề 7: Cách tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt;
+ Chuyên đề 8: Tăng thu nhập khi sản xuất lúa có chất lượng;
+ Chuyên đề 9: Những lợi ích là thành viên của tổ chức nông dân;
+ Chuyên đề 10: Lợi ích của sản xuất lúa có chứng nhận;
+ Chuyên đề 11: Trở thành doanh nhân thực thụ.
Qua lớp học lần này đã tạo điều kiện cho bà con được giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, hiểu biết về kinh doanh và cách quản lý thu chi trong hộ gia đình; Lên lịch thời vụ cụ thể, rõ ràng; Nắm bắt được nhu cầu thị trường góp phần nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập, tiếp cận vật tư, dịch vụ và thị trường tốt hơn từng bước thực hiện sản xuất bền vững hơn.
Một số hình ảnh lớp học: