21/11/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Một số bệnh thường gặp trên cá thát lát cườm (Notopterus Chitala) và cách phòng trị
 121
 31/10/2024
Ảnh: Cá bị bệnh xuất huyết, đỏ lườn

Ảnh: Cá bị bệnh xuất huyết, đỏ lườn

Cá thát lát cườm hiện được nuôi với mật độ cao, quy mô công nghiệp chính vì vậy trong quá trình nuôi cá dễ mắc bệnh là không tránh khỏi, dưới đây là một số bệnh thường gặp và cách phòng trị

* Trong nuôi thủy sản cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh là chính để hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi như: Ao nuôi cần được cải tạo kỹ trước khi ương nuôi, chọn mua con giống ở những cơ sở uy tính con giống đạt chất lượng, định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước, hoặc hút bùn định kỳ đối với nuôi cá thương phẩm thời gian nuôi dài, khi thời tiết nắng mưa bất thường cần thường xuyên trộn các sản phẩm tăng sức đề kháng cho cá nuôi như VTM C, Betaglucan. Trước những cơn mưa cần rải vôi xung quanh bờ ao để ổn định môi trường và hạ phèn.

Tuy nhiên trong quá trình nuôi cũng xuất hiện một số bệnh, dưới đây là một số bệnh thường gặp trên cá thát lát cườm và cách phòng trị:

1. Bệnh xuất huyết, đỏ lườn

- Dấu hiệu bệnh lý: Tùy vào các giai đoạn nuôi, ở giai đoạn giống biểu hiện đầu tiên là chướng hơi, ủ khuẩn tiếp đếm sẽ có dấu hiệu xuất huyết ở vây, xuất hiện nhiều chấm đỏ vùng vây, khi giải phẩu gan, thận và tỳ tạng có biến đổi chủ yếu gồm xung huyết, xuất huyết và hoại tử. Cấu trúc mô da cơ thì không có sự thay đổi. Ở giai đoạn cá nuôi thịt sẽ có hiện tượng bội nhiễm, biểu hiện tương tự giai đoạn giống tuy nhiên trước đó cá ăn kém bơi lờ đờ hay tấp vào bờ, các chấm đỏ ở vây xuất hiện khá rõ ràng.

- Nguyên nhân: do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra

- Phòng và trị bệnh: Cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh bằng cách giúp cá tăng sức đề kháng trộn VTM C hoặc BetaGlucan, giữ môi trường nước luôn ổn định, định kỳ tạt diệt khuẩn, ký sinh hoặc bằng cách sử dụng thảo dược chiết xuất từ lá diệp hạ châu hoặc cây cỏ mực trộn vào thức ăn cho cá ăn định kỳ hàng tuần để nâng cao tỷ lệ sống và tăng sức đề kháng cho cá (Phạm Minh Khá, 2013). Điều trị bệnh nhiễm khuẩn bằng cách sử dụng những dòng kháng sinh phù hợp ở thời điểm hiện tại, khi có kết quả kháng sinh đồ. Sau đó bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa với liều lượng 3g/kg thức ăn trong 3 ngày để tăng sức đề kháng bệnh cho cá. Kết hợp với xử lý môi trường nước bằng muối hoặc hóa chất sát khuẩn như BKC 80% với liều lượng 1lit/2.000 m3, hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cho cá, liều dùng 4g/m3. Xử lý vôi và muối khi trời mưa bão để ổn định môi trường.

2. Bệnh đốm đỏ, trương bụng

-  Nguyên nhân: bệnh do vi khuẩn Edwardsiella tarda gây ra.

- Dấu hiệu bệnh lý: cá bị đốm đỏ trên thân, xuất huyết ở vây, vòm miệng và mắt, cá có dấu hiệu trương bụng, khoan bụng chứ đầy dịch vàng và tỳ tạng bị tổn thương.

A: Cá xuất huyết vây và vòm miệng
B: Hoại tử và xuất huyết da
C: Đốm đỏ trên thân và mắt
D: Dịch vàng ở bụng và xuất huyết tỳ tạng

- Phòng và trị bệnh: trị bệnh bằng một trong các loại kháng sinh: amoxicillin kết hợp với clavulanic acid, flofenicol, cefotaxime, doxycylline, cephalexin, cefazolin. Tuy nhiên, bệnh vi khuẩn Edwardsiella tarda trên cá thát lát kháng với một số kháng sinh trimethoprim+sulfamethoxazol, norflox, oxytetracylin, ampicilin, rifarmpicin và navobiocin (Trần Minh Thuật, 2013).

3. Bệnh lở loét

- Dấu hiệu bệnh lý: cá bị xuất huyết, lở loét và các vết loét lan rộng toàn thân. Mang, hậu môn bị xuất huyết và viêm nặng. Bụng chứa nhiều dịch nhờn. Khi các vết loét ăn vào tới xương thì cá sẽ chết.

- Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân có thể do nấm, vi khuẩn, virus Rhabdovirus. Virus thường xâm nhập qua đường ruột, mang, mắt, các vết trầy xước trên cơ thể cá.

- Phòng và trị bệnh: cá nhiễm bệnh do nấm, vi khuẩn thì dùng những sản phẩm gốc đồng để diệt nấm và khuẩn, cá nhiễm bệnh do virus thì không có thuốc đặc trị, phòng bệnh là chính. Định kỳ 2 tuần xử lý nước ao nuôi bằng các loại hóa chất diệt khuẩn như: tạt vôi liều lượng: 2 kg/100 m3, tắm cho cá bằng muối ăn 1% trong 30 phút, hoặc tắm bằng thuốc tím KMnO4 (liều lượng 10 g/m3) từ lô đến 30 phút. Khi cá có dấu hiệu bệnh lý, trộn các loại kháng sinh amoxicillin, doxycylline, cephalexin vào thức ăn hàng ngày của cá, thực hiện liên tục trong 5 ngày. Định kỳ bổ sung vitamin C và Premix khoáng vào thức ăn nhằm giúp cá tăng cường sức đề kháng bệnh.

4. Bệnh nấm

- Bệnh nấm thủy mi: da cá xuất hiện vùng trắng xám có những sợi nhỏ mềm, sợi nấm phát triển mạnh đan chéo nhau thành từng búi như bông.

- Trị bệnh nấm trên cá bằng cách tắm Formol (20ppm ngâm sau 24 giờ), antizol (30ppm ngâm sau 1 giờ), bằng Xanh Methylen.

5. Bệnh ký sinh trùng

a) Ngoại ký sinh: bệnh trùng bánh xe, bệnh trùng quả dưa. Dấu hiệu bệnh lý: thân cá có nhiều trùng bám thành hạt lấm tấm nhỏ màu trắng đục có thể nhìn thấy bằng mắt thường cá nổi lên mặt nước lờ đờ. Diệt ngoại ký sinh bằng cách tắm cho cá trong nước muối 1% hoặc phun trực tiếp CuSO4 nồng độ 0,5 – 0,7ppm xuống ao. Ngoài ra, dùng có thể dùng Formol nồng độ 25 – 30ml/m3 tắm cá để diệt ngoại ký sinh.

b) Nội ký sinh: Các loại sán lá đơn chủ 16 móc, sán lá 18 móc, giun tròn, … Xử lý bệnh nội ký sinh cho cá bằng cách định kỳ sổ nội ký sinh bằng Praziquantel, Vimax, Ivermectin, trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục 3 ngày định kỳ 1 lần/tháng.

 

Phạm Thị Hồng Tươi
Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành A

Ý kiến bạn đọc

Video Khuyến nông