26/10/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
TX Long Mỹ: Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông & DVNN thăm mô hình nuôi cá ruộng mùa nước nổi
 30
 18/10/2024
Ảnh: Đoàn thăm mô hình

Ảnh: Đoàn thăm mô hình

Ngày 08/10/2024, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức thăm mô hình nuôi cá ruộng kết hợp trồng rẫy trên đê bao khép kính tại hộ Ông Hồ Ngọc Bình, ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Thành phần đoàn có ông Đoàn Ngọc Thân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông Huỳnh Tuấn Anh - Phó trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ cùng với sự tham gia của Ban Giám đốc HTX Nông sản an toàn Long Trị A.

Tại buổi tham quan ông Đoàn Ngọc Thân thăm hỏi chia sẻ: Nhiều năm qua, nông dân Hậu Giang đã thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa vào mùa nước nổi mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những mô hình sản xuất “thuận thiên” mỗi khi mùa nước nỗi về hầu như không thể sản xuất lúa vụ thu đông. Trước đây, với đặc thù là vùng trũng, mỗi khi mùa lũ về, nhiều địa phương của tỉnh Hậu Giang như các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ… Sản xuất vụ lúa thu đông kém hiệu quả cho nên thường bỏ đồng trống. Những năm gần đây, thấy thả nuôi cá trên ruộng vào mùa nước nổi mang lại hiệu quả, nông dân tại đây bắt đầu nhân rộng mô hình này.

Ông Hồ Ngọc Bình, chủ hộ nuôi cá ruộng cho biết: Do vụ này là mùa nước nỗi, người dân chỉ canh tác được hai vụ lúa trong năm là đông xuân và hè thu, còn vụ lúa thu đông thì bỏ đất trống. Thấy nuôi cá ruộng trong mùa nước nổi mang lại nguồn thu nhập trong những tháng nhàn rỗi, cho nên tôi đã mạnh dạn thực hiện mô hình này nhiều năm qua và năm nào cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Cũng theo ông Bình, sau khi thu hoạch lúa hè thu xong thì người dân mua cá giống về thả trước trong mương vườn khoảng một tháng để cho cá làm quen với môi trường tự nhiên và cá đủ lớn trước khi thả ra ruộng. Cách làm này sẽ giúp hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt cá giống. Sau đó, đợi đến khi con nước bắt đầu về làm ngập các cánh đồng lúa chét thì nông dân mới tiến hành thả cá giống ra ruộng để nuôi. Ngoài một số loài cá giống như: trê, chép, mè hoa, sặc rằn,… thì người dân còn dẫn dụ cá rô, cá sặc, cá lóc ngoài tự nhiên vào đồng ruộng để nuôi nhằm tăng số lượng loài và sản lượng khi thu hoạch. Trung bình 1.000 m2 đất ruộng, bà con thả nuôi từ 3-4 kg cá giống, sau khoảng ba tháng sẽ thu hoạch với năng suất đạt từ 80-90 kg cá thương phẩm. Như mọi năm, gia đình tôi chỉ thả nuôi trên diện tích 13 công ruộng của mình với 50 kg cá giống. Riêng năm nay tôi thả đến 60 kg gồm cá chép và mè hoa. Với diện tích thả nuôi của những năm trước thì vào vụ thu hoạch, gia đình tôi cân cho thương lái từ 1,5-1,7 tấn cá các loại, giá bán từ 20.000-60.000 đồng/kg (tùy loại), tính ra mỗi vụ nuôi cũng kiếm thêm thu nhập khoảng 30 triệu đồng”. Vì thế nhiều năm qua, năm nào gia đình tôi cũng thả cá nuôi, vừa hiệu quả lại khỏe hơn nhiều so với làm lúa. Sau khi thu hoạch cá, mình khỏi phải vệ sinh đồng ruộng, chỉ cần bơm nước ra là sạ lại vụ lúa đông xuân.

Trước khi kết thúc buổi tham quan ông Đoàn Ngọc Thân thông tin thêm đến hộ nuôi, định hướng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân kết hợp nuôi nhiều loại như cá lóc, cá trê, cá rô đồng ghép với cá sặc rằn, cá chép, cá mè…Như vậy, diện tích nuôi cá ruộng trên toàn tỉnh được nâng lên đạt và vượt so với kế hoạch đầu năm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế khu vực, ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân./.

Trần Liêm Sĩ
Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc

Video Khuyến nông