18/10/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
TTKN & DVNN: Tham quan mô hình nuôi cá ruộng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp
 3
 18/10/2024
Ảnh: Đoàn xem mô hình nuôi cá ruộng tại hộ Ông Lương Văn Hoàng

Ảnh: Đoàn xem mô hình nuôi cá ruộng tại hộ Ông Lương Văn Hoàng

Ngày 08/10/2024, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tham quan mô hình nuôi cá ruộng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Thành phần đoàn gồm: Ông Đoàn Ngọc Thân - Giám đốc, Ông Triệu Quốc Dương - phó Trưởng Phòng kỹ thuật và Ông Huỳnh Văn Vũ - phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp.

Trong năm 2024, Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp được hưởng lợi từ mô hình “Kinh tế tuần hoàn” (lúa – cá – vịt) với nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh. Mô hình được triển khai tại 03 hộ dân thuộc các xã Hòa An, Phương Bình và Tân Long trên tổng diện tích 03 ha. Các hộ tham gia mô hình được cung cấp đầy đủ vật tư và con giống, bao gồm 240 kg lúa giống, 60.000 con cá trê vàng, 1.500 con vịt giống và 6.750 kg thức ăn cho vịt. Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, nông dân đóng góp phần còn lại.

Điều kiện tham gia mô hình ưu tiên các hộ là thành viên hợp tác xã, có khả năng đối ứng chi phí, nhân lực, và cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật. Các hộ cần tích cực tham gia các hội thảo, hướng dẫn nông dân khác và cung cấp thông tin để tuyên truyền nhân rộng mô hình.

Đoàn đã ghé thăm hộ ông Lương Văn Hoàng tại ấp Hòa Đức, xã Hòa An. Ông Hoàng là một nông dân đã lâu năm thực hiện mô hình canh tác 2 vụ lúa 1 vụ cá, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang, ông Hoàng còn kết hợp nuôi thêm cá trê vàng và vịt, hứa hẹn gia tăng đáng kể giá trị kinh tế của mô hình.

Ảnh: Mô hình cá ruộng

Ông Hoàng chia sẻ: "Gia đình tôi tận dụng 1,3 ha đất ruộng để nuôi cá trong mùa nước nổi, chủ yếu là cá mè, cá chép. Với sự hỗ trợ các loại cá và vật nuôi có giá trị như cá trê vàng và vịt, tôi tin rằng mô hình sẽ đem lại thu nhập tốt hơn". Đáng chú ý, ông Hoàng đã đầu tư hệ thống rào chắn bằng Tol Fibro xung quanh ruộng để bảo vệ cá nuôi, tránh thất thoát trong mùa lũ.

Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp các hộ dân tham gia tăng lợi nhuận ít nhất 10% so với phương thức canh tác truyền thống. Bằng cách tận dụng phụ phẩm từ sản xuất lúa để nuôi cá và vịt, mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và sử dụng phế phẩm. Mục tiêu trong thời gian tới là nhân rộng mô hình này cho ít nhất 5 hộ dân trong huyện, góp phần cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.

Ảnh: Cá trê vèo trong mương chứa

Nguyễn Thanh Luận
Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc

Video Khuyến nông