Thành phố Ngã Bảy: Tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực về ngành nghề nông thôn.
Vừa qua, Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, liên kết với Khoa phát triển nông thôn trường Đại học Cần Thơ, phối hợp với UBND xã Đại Thành tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực về phát triển ngành nghề nông thôn cho đối tượng là thành viên của các Hợp tác xã nông nghiệp, Tổ hợp tác sản xuất, nông dân và các chủ thể đang và sẽ tham gia phát triển ngành nghề nông thôn trong tương lai tới đây của địa phương.
Đến dự lớp tập huấn có ông Nguyễn Thiện Hoà - đại diện lãnh đạo Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh tham dự. Khoa Phát triển nông thôn trường Đại học Cần Thơ có TS. Nguyễn Văn Nhân và Ths. Nguyễn Văn Nay giảng viên triển khai chương trình lớp tập huấn.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Đại Thành có ông Trần Quốc Khởi phó chủ tịch UBND xã tham dự, cùng với sự tham gia của các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng và hơn 40 nông dân là thành viên HTX, THT, nông dân sản xuất, các chủ thể ngành nghề nông thôn tham dự.
Nội dung chương trình tập huấn gồm 2 nội dung: Thứ nhất là triển khai một số giải pháp nâng cao năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, kỹ năng ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Thứ hai, về thực trạng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương trong thời gian qua, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 và một số chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng trong thời gian tới đây của địa phương.
Thông qua lớp tập huấn, các học viên còn được hướng dẫn về quy trình xây dựng mã vùng trồng sản phẩm chủ lực của địa phương; về tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm địa phương về lợi ích của việc ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, quá trình tạo mã QR CODE truy suất chất lượng, nguồn gốc sản phẩm… Sau khi nghe các giãng viên trình bày và giải đáp thắc mắc, các học viên sẽ chủ động chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất để cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp hiệu quả.
Việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; bảo tồn các giá trị văn hoá, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Do đó, việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức cho các chủ thể ngành nghề nông thôn và nông dân vận dụng vào thực tiễn tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp trong chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Qua lớp tập huấn, các học viên tham dự lớp tập huấn cũng đã tích cực trao đổi kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở địa phương mình về những mô hình tốt, hiệu quả, những cách làm hay nhằm đưa ra những giải pháp xây dựng, phát triển tổ chức sản xuất hiệu quả ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, người lao động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tập trung liên kết thành chuỗi giá trị; nhạy bén với nhu cầu thị trường để có chiến lược phát triển bền vững cho sản phẩm của HTX, THT, góp phần tạo hiệu quả trong sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương./.