Tọa đàm khuyến nông với chủ đề “Quy trình canh tác bền vững, xử lý ra hoa và quản lý sâu, bệnh gây hại trên cây Sầu riêng”
SNNHG - Ngày 25/09/2024 Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, UBND xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp tổ chức Tọa đàm khuyến nông với chủ đề “Quy trình canh tác bền vững, xử lý ra hoa và quản lý sâu, bệnh gây hại trên cây Sầu riêng”.
Tham dự buổi tọa đàm có Ths. Lê Quốc Cường - Nguyên giám đốc trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, Ông Phan Thành Lâm - Phó trưởng phòng Phòng Nông ngiệp và PTNT huyện Phụng Hiệp, cùng các ban ngành đoàn thể địa phương và viên chức ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tham dự, đặc biệt có 60 nông dân trồng Sầu riêng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp cùng tham dự.Tham dự buổi tọa đàm có Ths. Lê Quốc Cường - Nguyên giám đốc trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, Ông Phan Thành Lâm - Phó trưởng phòng Phòng Nông ngiệp và PTNT huyện Phụng Hiệp, cùng các ban ngành đoàn thể địa phương và viên chức ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tham dự, đặc biệt có 60 nông dân trồng Sầu riêng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp cùng tham dự.
Tại buổi tọa đàm, Ths. Lê Quốc Cường đã trao đổi với bà con nông dân về “Quy trình canh tác bền vững, xử lý ra hoa và quản lý sâu bệnh trên cây Sầu riêng”. Trong quá trình trao đổi với nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa, Ths. Lê Quốc Cường đặc biệt nhấn mạnh các yếu tố kỹ thuật nông dân cần chú ý như PH của đất sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng; Quá trình quản lý sâu, bệnh, cỏ dại trong vườn phải theo hướng an toàn, bền vững.
Trong phần thảo luận đã nhận được 17 câu hỏi đặt ra từ phía nông dân liên quan đến quá trình trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, đậu trái, thu hoạch và phục hồi sau thu hoạch như: Cách thiết kế vườn, khoảng cách trồng, nhu cầu về dinh dưỡng, biện pháp nhận biết và phòng trừ một số sâu, bệnh hại chính. Một số câu hỏi về biện pháp để giúp trái đạt năng suất và chất lượng cao như: Biện pháp hạn chế sượng cơm, dày vỏ, bể gai trên trái Sầu riêng, ... Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của người nông dân trồng sầu riêng tại Phụng Hiệp và nhu cầu học hỏi, nâng cao kiến thức trong sản xuất trồng trọt. Tại buổi tọa đàm, các thắc mắc của bà con cũng đã được các chuyên gia tham dự giải đáp và nhận được sự đồng thuận cao từ phía bà con nông dân.
Cũng trong buổi toạ đàm, ông Phan Thành Lâm - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nhận định và đưa ra những định hướng phát triển cây Sầu riêng trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Để phát triển cây Sầu riêng theo hướng bền vững, nông dân cần quan tâm đến chất lượng trái. Ngoài hình dáng, kích cở Sầu riêng phải đảm bảo, đảm bảo các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Trong đó khuyến khích nông dân trồng Sầu riêng tham gia các mô hình kinh tế tập thể như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã; thiết lập vùng trồng sản xuất tập trung có truy xuất nguồn gốc nông sản; Sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap góp phần nâng cao chất lượng và giá trị trái Sầu riêng trong thời gian tới.
Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Trần Anh Tuấn tóm lại các nội dung trọng tâm của buổi tọa đàm, đồng thời thông tin đến người dân về tầm quan trọng của việc thiết lập mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trái Sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Từ những thông tin được trao đổi tại buổi tọa đàm đã giúp cho nông dân trồng Sầu riêng hiểu rõ thêm về kỹ thuật, giúp người dân an tâm sản xuất; góp phần từng bước khẳng định được vị thế về chất lượng và giá trị của trái Sầu riêng Hậu Giang trong và ngoài nước.