Huyện Vị Thuỷ: Tập huấn trong mô hình “Kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao và nuôi cá kết hợp sản xuất lúa” thuộc dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa-cá”, năm 2024 tại xã Vĩnh Trung
Ngày 13/09/2024, Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang tổ chức lớp tập huấn trong mô hình “Kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao và nuôi cá kết hợp sản xuất lúa” cho hơn 30 nông dân ở huyện Vị Thủy và huyện Phụng Hiệp tại Hội trường UBND xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy.
Tham dự buổi tập huấn, đại diện Trung Tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang có Ông Triệu Quốc Dương, Phó trưởng Phòng kỹ thuật; Ông Phan Khắc Huy, viên chức Phòng Kỹ thuật; cũng là 2 Giảng viên tập huấn trong mô hình, đại diện địa phương có Ông Lê Hoàng Thức Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Trung, Tổ trưởng tổ Khuyến nông cộng đồng.
Nhằm theo nhu cầu thực tế của huyện và giúp hộ trong và ngoài mô hình, nắm bắt được những kỹ thuật trong việc xây dựng các mô hình đang phát triển tại địa phương, từ đó người dân có thể chủ động hơn về việc xây dựng mô hình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản góp phần tăng thêm kinh tế cho gia đình và thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Tại buổi tập huấn, học viên được nghe giảng viên hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình 3G3T, 1P5G, SRI và kỹ thuật nuôi cá trên ruộng lúa, các mô hình hiệu quả đã được xây dựng trên địa bàn huyện. Qua đó, nhằm giúp nông dân có thêm kiến thức lẫn kinh nghiệm xây dựng mô hình cùng với kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản.
Sau buổi tập huấn Ông Lê Hoàng Thức, Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Trung, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng phát biểu nhấn mạnh: “Mong rằng bà con nông dân sau khi tham gia lớp tập huấn này, các hộ trong và ngoài mô hình sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức có thể áp dụng thực tế cho hộ gia đình mình, xây dựng dần và định hướng đúng đắn những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nên mạnh dạn đầu tư phát triển nếu thiếu vốn có thể liên hệ với địa phương của mình tiếp cận nhu cầu vốn, nếu thiếu kinh nghiệm thì Trạm khuyến nông các huyện sẽ hỗ trợ kỹ thuật hướng dẫn bà con thực hiện nên bà con cứ yên tâm đầu tư sản xuất”.
Nhìn chung đa số học viên tham gia lớp tập huấn đều là những nông dân có tham gia mô hình và có ý định xây dựng mô hình, vì vậy nông dân rất hứng thú khi tham gia lớp tập huấn này để có thể học hỏi thêm nhiều kiến thức xây dựng mô hình bền vững, áp dụng kỹ thuật mới để giảm được chi phí, tận dụng được phụ phế phẩm nông nghiệp trong chuỗi kinh tế tuần hoàn, góp phần tăng thêm thu nhập, tăng thêm hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Được biết các hộ tham gia mô hình từ nguồn kinh phí của Khuyến nông Quốc gia 1ha tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% giống, vật tư gồm 3.350 con cá lóc (size trên 10cm), 990 con cá thát lát; Men 10kg; thức ăn cá 1.690kg; lúa giống 50kg; phân hữu cơ sinh học 2.000kg; ure 163kg; lân nung chảy 330kg; kali 100kg, thuốc BVTV. Tổng kinh phí nông dân đối ứng khoảng 57 triệu/ha.
Hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 150 mô hình có hiệu quả, một số hộ ngoài mô hình có định hướng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nên lớp tập huấn này sẽ là tiền đề giúp nông dân có thêm kiến thức và kinh nghiệm để xây dựng mô hình, mạnh dạn đầu tư, áp dụng trong thời gian tới để sản xuất tập trung vừa giúp nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giúp huyện phát triển nhiều mô hình có hiệu quả hơn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hình ảnh khác của lớp tập huấn
Ảnh: Ông Triệu Quốc Dương, Phó phòng kỹ thuật đang tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình 3G3T, 1P5G, SRI
Ảnh: Ông Phan Khắc Huy đang tập huấn kỹ thuật nuôi cá trên ruộng lúa