21/12/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Long Mỹ: Hiệu quả mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn
 194
 24/09/2024
Ảnh: Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Tài

Ảnh: Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Tài

Nuôi lươn không bùn với vốn đầu tư không quá cao, tận dụng diện tích sẳn có xung quanh nhà, kỹ thuật nuôi dễ. Đặc biệt con lươn có giá trị kinh tế cao, giá bán tương đối ổn định, góp phần giúp nông dân trong việc lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Điễn hình là mô hình nuôi lươn của anh Nguyễn Văn Tài ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Nhận thấy lươn dễ nuôi có giá trị kinh tế cao anh đã mạnh dạn đầu tư xây 8 bể nuôi lươn, mỗi vụ nuôi anh thả 40.000 con lươn giống. Sau 10 tháng nuôi anh Tài xuất bán khoảng 6 tấn lươn thịt, với giá bán trung bình 108.000đồng/kg, trừ các khoảng chi phí anh còn lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.

Sau gần 4 năm gắn bó với con lươn anh Tài cho biết “Lươn là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh và có thể tận dụng được lao động nông nhàn rỗi. Tuy nhiên, để thành công với mô hình, đòi hỏi nông dân phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo tỷ lệ hao hụt. Đồng thời phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất”.

Ông Hồ Hoàng Tích,  cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ cho biết “ bên cạnh những thuận lợi về kỹ thuật, công chăm sóc, thức ăn thì nghề nuôi lươn không bùn cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân khi thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn là nguồn con giống, giá cả vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ. Do tình hình đầu ra phụ thuộc rất lớn vào thị trường nên huyện cũng khuyến cáo bà con phát triển mô hình này thì cần tham gia Hợp tác xã, Tổ hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu đầu ra, tránh tình trạng nuôi nhỏ lẻ làm cho đầu ra gặp khó khăn”.

Từ kết quả của mô hình nuôi lươn không bùn mang lại, cho thấy mô hình đã thật sự phát huy tiềm năng. Hiệu quả của mô hình sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi lươn thương phẩm nói riêng. Đây là bước đột phá để phát huy hết nội lực và tiềm năng thủy sản sẵn có, từng bước đưa địa phương thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ vào mô hình nuôi lươn một cách có hiệu quả.

 

 

Lâm Văn Việt
Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc

Video Khuyến nông