Huyện Long Mỹ: Hiệu quả mô hình nuôi thủy sản kết hợp (tôm: thẻ, sú, càng xanh,... trên ruộng lúa)
Mô hình nuôi thủy sản kết hợp (tôm: thẻ, sú, càng xanh,... trên ruộng lúa) tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ đang được nhiều người dân áp dụng và nhân rộng vì mang lại hiệu quả cao và phù hợp điều kiện sinh thái tại địa phương.
Hiện nay xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ có diện tích nuôi tôm là 158 ha. Trong thời gian qua, nông dân khu vực ngoài đê đã hình thành được nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp mang lại hiệu quả, trong đó có mô hình tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ và cua biển. Đây là mô hình nuôi theo hình thức sinh thái, mang tính bền vững, phù hợp với trình độ canh tác và nguồn vốn đầu tư của đa số nông dân.
Nông dân ngoài đê xã Lương Nghĩa thả nuôi tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ kết hợp với cua, mùa vụ sản xuất tôm sú thả mật độ thả 1 con/m2, thời gian nuôi 3- 4 tháng năng suất đạt 150 kg/ha, lợi nhuận 15 triệu đồng/ha.
Tôm thẻ chân trắng thả mật độ 15 con/m2 có bổ xung một phần thức ăn công nghiệp, thời gian thả nuôi 2 – 2,5 tháng, năng suất đạt 390kg/ha, lợi nhuận 8 triệu đông/ha.
Cua biển thả mật độ 10m2/ con, thời gian nuôi 6 tháng, lợi nhuận 3-5 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó mô hình ruộng nuôi vẫn còn tiếp tục nuôi đối tượng tôm càng xanh chưa đến giai đoạn thu hoạch.
Đây là mô hình sản xuất chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của đa số nông dân có ít vốn sản xuất. Các đối tượng nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích, dễ tiêu thụ và hạn chế được rủi ro do dịch bệnh.
Ưu điểm của mô hình này là sản xuất ngắt vụ nên hạn chế được mầm bệnh phát sinh trong ruộng nuôi, vụ lúa tiếp theo sẽ hấp thu các chất hữu cơ trong ruộng nuôi, các sản phẩm thải của tôm giúp cho cây lúa phát triển tốt hơn. Đây là mô hình kết hợp nhiều đối tượng, nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất, không gây ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.