Sáng ngày 02 tháng 7 năm 2024, Trạm khuyến nông huyện Phụng Hiệp phối hợp cùng với chính quyền ấp Thắng Mỹ - xã Phụng Hiệp, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật và đi trực tiếp đến từng hộ dân đang chăn nuôi ếch trong vèo trên địa bàn ấp Thắng Mỹ.
Đến buổi tư vấn kỹ thuật gồm có: Ông Huỳnh Văn Vũ – Phó Trưởng trạm khuyến nông Huyện Phụng Hiệp, ông: Nguyễn Văn Em – Trưởng ấp Thắng Mỹ và khuyến nông viên phụ trách địa bàn xã Phụng Hiệp, cùng 8 hộ dân đang chăn nuôi ếch tại ấp Thắng Mỹ với số lượng trên 20.000 con ếch.
Những năm qua, mô hình nuôi ếch trong vèo ở ấp Thắng Mỹ đã được nhân rộng và mạng lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây. Tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi gần đây có vài vèo ếch đã xuất hiện bệnh. Nay đã được ông Huỳnh Văn Vũ – phó trưởng trạm khuyến nông đến tư vấn kỹ thuật về:
1 Cách làm vèo
- Vèo có kích thước 6 - 50 m2 (2 x 3, 4 x 5, 5 x 10 m), cao 1 - 1,2 m, làm bằng lưới nilông may kín 5 mặt và phía trên có nắp đậy để tránh ếch nhảy ra ngoài và đề phòng địch hại.
- Vèo treo trong ao sao cho đáy vèo ngập nước ngập khoảng 20 - 30 cm
- Tạo giá thể cho ếch lên cạn cư trú (tấm nilông đục lỗ, bè tre, lục bình…). Tổng diện tích giá thể chiếm 2/3 - 3/4 diện tích vèo. Có thể đặt những tấm xốp phía mặt dưới của đáy để vèo nổi lên làm nơi cho ếch lên nghỉ ngơi, tắm nắng và ăn mồi.
2. Chọn ếch giống
- Qui cách giống: Chọn ếch cỡ 45 ngày tuổi (khoảng 3 - 6 cm/con), khỏe mạnh, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh hay bị dị tật.
- Chọn ếch giống sản xuất tại chỗ có chất lượng tốt để nuôi thương phẩm.
3. Thả giống
- Kiểm tra lại môi trường nước trước khi thả giống (pH, nhiệt độ).
- Thời gian thả: lúc trời mát (sáng hoặc chiều)
- Cho thùng ếch vào hồ, tưới nước của hồ nuôi lên ếch để ếch từ từ quen dần với môi trường nước mới rồi mới thả ra hồ nuôi.
- Mật độ thả nuôi: 80 - 100 con/m2.
- Khử trùng ếch bằng thuốc tím trước khi thả nuôi.
4. Chọn thức ăn cung cấp cho ếch
- Qui cách - chủng loại: Chọn thức ăn công nghiệp dạng viên như có độ đạm cao (25 - 40%). Ngoài ra, có thể cho ăn bổ sung thêm thức ăn tự nhiên (ốc bươu vàng, trùn quế,...).
- Chất lượng: Thức ăn không bị ôi thiu, ẩm mốc, có mùi vị hấp dẫn.
- Thức ăn cung cấp cho ếch thích hợp cho từng giai đoạn phát triển (kích cỡ, độ đạm, khối lượng).
5. Cho ăn
- Chọn loại thức ăn có kích cỡ và độ đạm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ếch (cỡ 0,5 - 4,5 mm, độ đạm từ 25 - 40%).
- Thức ăn được rưới nước có pha thuốc khoảng 15 - 20 phút trước khi cho ăn. Nếu sử dụng thức ăn tươi sống phải rửa sạch hoặc khử trùng trước khi cho ăn.
- Cho ăn bằng cách rải thức ăn trực tiếp vào vèo (đối với thức ăn viên) và để lên sàn ăn (đối với thức ăn chế biến).
- Lượng thức ăn cho ăn căn cứ theo ước tính % trọng lượng đàn ếch và theo thực tế kiểm tra trên sàn ăn. Tháng đầu cho ăn 4 - 6% trọng lượng đàn ếch, 2 tháng sau giảm còn 3 - 4%.
- Thời gian cho ăn: Tháng đầu cho ăn 3 - 4 lần/ngày (sáng, trưa, chiều, tối), khi lớn cho ăn 2 - 3 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát, cho ếch ăn thêm vào buổi tối để ếch tăng trọng nhanh.
6. Chăm sóc và phòng bệnh
* Phân cỡ
Hàng ngày kết hợp với việc cho ăn là việc tách đàn, phân cỡ ếch. Thông thường là phân thành hai cỡ lớn và nhỏ tương đối đều nhau. Việc phân cỡ càng kỹ thì ếch ít có cơ hội ăn thịt lẫn nhau, giảm tỷ lệ hao hụt đáng kể.
* Chăm sóc
- Kiểm tra quan sát thường xuyên các hoạt động của ếch để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp bị bệnh. Trường hợp ếch bị bệnh phải tách riêng ra khỏi hồ để điều trị
- Thường xuyên bổ sung vitamin, thuốc bổ, men tiêu hóa, thuốc kháng sinh liều nhẹ vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho ếch.
- Mỗi tuần nên ngâm sát khuẩn ếch một lần bằng thuốc sát trùng (thuốc tím, Iodine, Gansil)
- Kiểm tra thường xuyên môi trường nước trong ao, độ pH và nhiệt độ nước trong ao nuôi giảm đột ngột gây sốc cho ếch, nhất là giai đoạn ếch còn nhỏ sẽ bị hao hụt rất nhiều.
- Định kỳ khoảng 2 tuần cân ếch một lần để kiểm tra mức tăng trọng và trọng lượng trung bình cả đàn. Từ đó có cơ sở điều chỉnh chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý.
7. Thu hoạch
Sau 2,5 - 3,0 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng trung bình 200 g/con, có thể thu hoạch toàn bộ.
Sau khi trao đổi về kỹ thuật xong ông Vũ cùng đoàn đến thăm từng vèo ếch, hướng dẫn trực tiếp cho bà con cách nhận biết triệu chứng và phòng, trị bệnh một số bệnh bệnh thường gặp: Bệnh trướng hơi ở ếch con, Bệnh ghẻ lở, Bệnh đỏ chân, Bệnh viêm ruột …
Sau một buôi trao đổi kỹ thuật, những hộ dận chăn nuôi ếch nơi đây đã có thêm nhiều kiến thức mới từ đó tự tinh thả nuôi cho những vụ tiếp theo.