Thời gian qua, việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã đã và đang phát triển mạnh, tập trung chủ yếu với các loài vì mục đích thương mại như: trăn, rắn, dúi, nhím, cầy vòi hương, heo rừng lai,…
Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã đã góp phần mang lại nguồn thu nhập kinh tế khá cao cho một số hộ dân. Cùng với đó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh phát triển. Đặc biệt năm 2023 Chi cục Kiểm lâm định hướng phát triển loài cầy vòi hương là động vật hoang dã gây nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang đang quản lý 331 cơ sở nuôi với 28.724 cá thể động vật rừng, trong đó, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES gồm có 11 loài với 16.638 cá thể và động vật rừng thông thường gồm có 06 loài với 12.086 cá thể. Trong đó, số hộ gây nuôi cầy vòi hương là 222 hộ/2.743 cá thể chiếm 67,07% tổng số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Cầy vòi hương có tên khoa học (Paradoxurus hermaphroditus) là loài động vật hoang dã khá dễ nuôi, không cần quá nhiều diện tích chuồng trại, thức ăn tương đối dễ kiếm, cầy vòi hương bắt đầu sinh sản từ 12-15 tháng tuổi, mỗi năm sinh sản 02 lần, mỗi lần sinh sản từ 2-4 con, giá thương phẩm giao động từ 1,7 triệu đến 1,9 triệu đồng/ kg, giá con giống từ 8 triệu đến 10 triệu/ cặp tùy theo tháng tuổi, con trưởng thành từ 10 triệu-12 triệu/con, hậu bị từ 12 triệu- 15 triệu/con, bố mẹ từ 18 triệu- 22 triệu/con. Với số lượng cầy vòi hương hiện nay trên địa bàn tỉnh 2.633 cá thể góp phần tăng giá trị sản xuất cho ngành Lâm nghiệp từ 1,03% lên 1,12% (tăng 0,09% so với năm 2022).
Nhìn chung đối với các hộ gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều chấp hành tốt các quy định về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã như (đăng ký mã số cơ sở, ghi chép sỗ theo dõi, lưu trữ hồ sơ nguồn gốc lâm sản, tăng đàn, giảm đàn, vận chuyển,…)
Ảnh: Chi cục Kiểm Lâm Hậu Giang kiểm tra cơ sở gây nuôi Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus)
Trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm tiếp tục nhân rộng mô hình tuần hoàn “Mô hình kết hợp trong gây nuôi loài Cầy Vòi hương với cá trê phi trên cùng diện tích”, giúp hộ gây nuôi giảm bớt chi phí và tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích; xây dựng mô hình liên kết tập thể (Phối hợp với các địa phương thành lập các tổ hợp tác gây nuôi và nâng chất các tổ hợp tác lên hợp tác xã) trên địa bàn huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, đây là mô hình giúp hộ chăn nuôi chia sẻ kỹ thuật, hỗ trợ nhau về nguồn vốn cũng như đầu ra của sản phẩm, với giải pháp này, vừa qua Chi cục Kiểm lâm có buổi làm việc cùng Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh về việc tiếp cận nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, vay hình thức tính chấp cho các hộ gây nuôi, để các hộ gây nuôi giải quyết khó khăn về nguồn vốn; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp hỗ trợ con giống (cầy vòi hương) cho các hộ nghèo, hộ khó khăn và hộ có nhu cầu gây nuôi từ nguồn vốn sự nghiệp Nông nghiệp để phát triển kinh tế hộ gia đình.