21/12/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.
 
Hoạt động khuyến nông trong nước
Bắc Ninh: Tổ chức Hội thảo Khuyến nông đô thị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”
 953
 22/06/2023
Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Ngày 26/5/2023, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khuyến nông đô thị lần 1 năm 2023 với chuyên đề “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”.

Ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, bà Vũ Thị Hương – Chủ nhiệm CLB Khuyến nông đô thị đồng chủ trì hội nghị. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, một số tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp, đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông/Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp của 27 tỉnh/thành phố là thành viên CLB Khuyến nông đô thị và đại diện một số nông hộ, hợp tác xã tiêu biểu ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Dù được đánh giá là xu hướng tất yếu, nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế ngành nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân mà các đại biểu chỉ ra là do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông đô thị cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là “chìa khóa” cho phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận đem lại hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững…

Thực tế công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ và rời rạc giữa các vùng, miền, địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, các phần mềm, thiết bị công nghệ mới ứng dụng sản xuất nông nghiệp; chia sẻ kết quả thực hiện và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước; những khó khăn trong chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; trao đổi giữa các chuyên gia nhằm đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền nông nghiệp thông minh hiện đại thực sự hiệu quả và bền vững.

Theo ông Đỗ Đình Phương – Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trí tuệ nhân tạo (AI) đang được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các ứng dụng của AI giúp các nông dân quản lý đất, tưới cây và thu hoạch nông sản một cách tối ưu hơn, đồng thời giúp ngành nông nghiệp dự đoán được sự bất ổn về môi trường và đưa ra các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đang ở mức rất khiêm tốn. Đối với công tác quản lý, chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ ở chính quyền điện tử, chính phủ điện tử và chữ ký số trong công tác quản lý là chính. Đối với sản xuất, quản lý mã số vùng trồng hay truy xuất nguồn gốc nông sản còn tương đối hạn chế. Thương mại điện tử nông nghiệp cũng là mảng chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước đưa chuyển đổi số vào ứng dụng trong hoạt động điều hành, giám sát. Tính đến hết năm 2021, Bắc Ninh xếp thứ 4 toàn quốc trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó chính quyền số xếp thứ 4, kinh tế số xếp thứ 6, xã hội số xếp thứ 6. Sản xuất nông nghiệp truyền thống đã và đang dần được thay thế bằng nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng CNC. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh ước đạt chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi số trong sản xuất hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giúp cho người sản xuất tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa sản phẩm khi đưa ra ngoài thị trường.

Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn mới, nên nhận thức hầu hết của doanh nghiệp, cơ sở và đặc biệt là người nông dân còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số.

Với những khó khăn trên, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng các chương trình, dự án khuyến nông trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Phát biểu ý kiến thảo luận tại hội thảo, ông Phạm Lâm Chính Văn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện mới được thực hiện đơn lẻ tại một số đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã chứ chưa kết nối thành hệ thống hay mạng lưới, để qua đó các cơ quan quản lý có thể quản lý được sản lượng, tư vấn về dịch bệnh và thị trường. Để thu hút được nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số.

Kết luận tại buổi hội thảo, ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, các ý kiến đóng góp của các đại biểu rất có ý nghĩa đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cụ thể hoá các đóng góp ý kiến bằng hành động và báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT để thực hiện.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Một số hình ảnh các đại biểu tham quan mô hình sản xuất hoa lan cắt cành trong nhà kính áp dụng công nghệ cao tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh:

 

Trí Mẫn - TTKN&DVNN Hậu Giang
Nguồn: Theo Ánh Nguyệt - Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia

Ý kiến bạn đọc