20/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Các sự kiện/Thông báo
Thị xã Long Mỹ: Thông báo lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2021-2022
 359
 01/11/2021
Hình: Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ

Hình: Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khả năng lượng mưa tăng vào các tháng cuối năm 2021 cũng như mưa trái mùa ở mùa khô năm 2022 và đĩnh lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2021 thấp hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ về xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022 gay gắt hơn năm 2021. Vì vậy tình hình mưa, bão có khả năng gây ảnh hưởng sản xuất thời điểm đầu vụ và hạn, mặn gây ảnh hưởng thiếu nước sản xuất thời điểm cuối vụ.

Căn cứ Thông báo số 74/TB-SNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang về việc xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2021-2022.

Bên cạnh đó, rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá vẫn là đối tượng gây hại quan trọng và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh lây lan qua vụ Đông Xuân 2021- 2022. Trên cơ sở theo dõi bẫy đèn của trạm Trồng trọt & BVTV thì rầy nâu xuất hiện vào thời điểm giữa tháng kéo dài đến khoảng cuối tháng mật số không cao. Để tránh thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết mưa, bảo, hạn và xâm nhập mặn và đặt biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá. Phòng Kinh tế xây dựng lịch xuống vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 cụ thể như sau:

1. Bố trí lịch thời vụ:

Khung thời vụ chung cho toàn thị xã tập trung vào 02 đợt chính như sau:

- Đợt 1: Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 26/11/2021 đến ngày 03/12/2021 (nhằm ngày 22/10/2021 đến ngày 29/10/2021 âm lịch). Áp dụng cho những vùng có điều kiện tương đối thuận lợi, diện tích xuống giống đợt 1 dự kiến khoảng 1.895ha, ở các đơn vị như phường Thuận An và xã Long Trị A.

- Đợt 2: Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 29/12/2021 đến ngày 05/01/2022 (nhằm ngày 26/11/2021 đến ngày 03/12/2021 âm lịch). Áp dụng cho những vùng có điều kiện tương đối khó khăn, diện tích xuống giống đợt 2 dự kiến khoảng 8.080,25ha, tập trung cho các xã, phường còn lại.

Tùy theo tiến độ thu hoạch lúa Thu Đông 2021 và tình hình rầy nâu di trú, thời tiết, thủy văn trên địa bàn, để quyết định thời gian xuống giống hợp lý, trên nguyên tắc rầy vừa chấm dứt vào đèn thì bắt đầu xuống giống.

2. Cơ cấu giống vụ lúa Đông xuân 2021-2022

Sử dụng giống xác nhận, giống có chất lượng cao và có khả năng chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết như: OM 5451, OM 4900, Đài thơm 8, RVT, OM 18, ST 24, VRN20,...

3. Các giải pháp kỹ thuật

- Từ khung thời vụ chung cho toàn thị xã nêu trên, các địa phương chỉ đạo xuống giống đồng loạt trên từng cánh đồng, tập trung, né rầy, hạn chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xảy ra, tập trung cho từng ấp, khu vực, xã, phường. Trong từng đợt xuống giống phải đảm bảo dứt điểm trong 07 ngày trên toàn ấp, khu vực, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa.

- Các địa phương tập trung chỉ đạo vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, lúa chét, lúa gài nếu không đảm bảo thời gian cách ly thì nên lấy bớt rơm rạ vụ Thu Đông ra khỏi ruộng trước khi làm đất để hạn chế ngộ độc hữu cơ cây lúa.

- Sử dụng giống xác nhận, sạ hàng, sạ thưa hoặc cấy kết hợp đánh nhiều đường thoát nước để giảm lượng giống gieo sạ. Bón phân cân đối NPK, không bón thừa phân đạm để hạn chế đổ ngã và phát sinh dịch hại. Lượng giống khuyến cáo gieo sạ từ 80 – 120 kg/ha.

- Khi Rầy vừa chấm dứt vào đèn thì bắt đầu xuống giống, sau khi gieo sạ nếu rầy nâu di trú vào ruộng thì đưa nước vào ngập “chảng ba” cây lúa, hạn chế rầy nâu chít hút và đẻ trứng ở giai đoạn mạ.

- Bón vôi trước khi sạ, số lượng 500 - 1.000kg/ha.

- Sử dụng phân bón có chứa silic cộng thêm chất kích thích sinh trưởng giúp rễ lúa hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc sử dụng các loại phân chậm tan để chống thất thoát đạm trong điều kiện thời tiết bất lợi của vụ Đông Xuân.

- Khi độ mặn 0,5 - 1‰ vận động nông dân bế các cống đập không để mặn xăm nhập vào trong ruộng, trữ ngọt các tuyến kênh, mương nhằm phục vụ cho sản xuất.

Phòng Kinh tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kết hợp với các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nông dân tuân thủ xuống giống đúng lịch thời vụ và thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật:

- Trạm Khuyến nông: Tập huấn các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tập huấn kỹ thuật lúa giống. Khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng giống lúa cấp xác nhận;

- Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra phát hiện sớm dịch bệnh. Hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Phối hợp các địa phương tiếp tục thực hiện việc xây dựng cánh đồng sinh thái, cánh đồng mẫu lớn với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, thu mua tiêu thụ sản phẩm lúa gạo theo Kế hoạch đã đề ra;

- Trạm Thủy lợi: Căn cứ vào lịch xuống giống định kỳ quan trắc theo dõi độ mặn, theo dõi, kết hợp chặt chẽ với các địa phương để có kế hoạch tu sửa máy bơm, cống, đập đảm bảo phục vụ sản xuất tránh tình trạng thiệt hại do xâm nhập mặn và mưa bão; chỉ đạo các đơn vị xã, phường vận động người dân đem máy bơm cá nhân cùng với trạm bơm tháo nước kịp thời khi có mưa kéo dài, khi có mặn xâm nhập vận động người dân đóng cống bọng cá nhân ở hộ gia đình để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra;

- Đề nghị UBND các xã, phường: Chỉ đạo các ấp, khu vực, các ngành đoàn thể,... tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn lịch thời vụ cụ thể trên địa bàn ấp khu vực, xã, phường đảm bảo sản xuất thắng lợi. Khi có mưa bão xảy ra chỉ đạo tổ kỹ thuật tuyên truyền, vận động người dân ngưng sạ để giảm thiệt hại.Đồng thời chỉ đạo các trạm bơm thực hiện bơm tiêu nước nếu để nước ngập kết dài thì trạm bơm phải chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra.

Huỳnh Thị Hồng Quyên
Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc