20/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Sở Nông nghiệp và PTNT: Kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2021 tại Hậu Giang
 1267
 29/06/2021
Ảnh: Gieo sạ lúa bằng máy cấy tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy

Ảnh: Gieo sạ lúa bằng máy cấy tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy

Nhằm phát huy kết quả thắng lợi đã đạt được trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, Hè Thu 2021, đồng thời tăng cường tính linh hoạt, sáng tạo từ khâu lấy nước, thời vụ, cơ cấu giống, bảo vệ thực vật,… để thực hiện thành công sản xuất vụ Thu Đông 2021 trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2021 cụ thể như sau:

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH CHUNG

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2021 có khoảng 4-6 cơn cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tại khu vực Nam bộ, tổng lượng mưa (TLM) tháng 7-8/2021 thấp hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm (TBNN), đến tháng 10-11/2021 TLM cao hơn từ 10-30% và tháng 12 dự báo có mưa dông cục bộ vào nửa đầu tháng. Đồng thời từ tháng 10-12/2021 tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 03 đợt triều cường ở mức cao (Đợt 1: ngày 08-10/10; Đợt 2: ngày 05-09/11 và Đợt 3: ngày 02-08/12) có thể gây ngập lụt tại vùng trũng thấp. Dự báo đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức Báo động 1 - Báo động 2 (từ tháng 7-11/2021), đến tháng 12/2021, mực nước đầu nguồn sẽ xuống dần tuy nhiên vẫn cao hơn TBNN từ 0,1-0,2m. Về nhiệt độ trung bình từ tháng 7-9/2021 phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1,00C so với TBNN.

Nhằm phát huy kết quả thắng lợi đã đạt được trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, Hè Thu 2021, đồng thời tăng cường tính linh hoạt, sáng tạo từ khâu lấy nước, thời vụ, cơ cấu giống, bảo vệ thực vật,… để thực hiện thành công sản xuất vụ Thu Đông 2021 trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2021 cụ thể như sau:

II. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ LÚA THU ĐÔNG 2021     

1. Diện tích sản xuất:

          Thực hiện theo Quyết định số 710/QĐ-SNNPTNT ngày 11/12/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển nông nghiệp và thủy sản năm 2021, vụ lúa Thu Đông 2021 toàn tỉnh sản xuất diện tích 36.700 ha. Năng suất dự kiến đạt 5,62 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 206.080 tấn. Phân bố cụ thể các đơn vị như sau:

STT

Đơn vị

Diện tích (ha)

1

Thành phố Vị Thanh

2.700

2

Thành phố Ngã Bảy

200

3

Huyện Châu Thành A

7.000

4

Huyện Châu Thành

0

5

Huyện Phụng Hiệp

7.500

6

Huyện Vị Thủy

12.000

7

Thị xã Long Mỹ

3.300

8

Huyện Long Mỹ

4.000

 

Tổng cộng

36.700

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Thời vụ gieo trồng

Để tránh thiệt hại về bệnh vàng lùn - lùn loắn lá, hiện tượng ngộ độc hữu cơ và các yếu tố thời tiết gây bất lợi đến sản xuất lúa. Các địa phương cần xác định chính xác lịch thời vụ trên cơ sở Thông báo số 54/TB-SNNPTNT ngày 11/6/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT, cụ thể như sau:

- Đợt 1: Từ ngày 03 - 09/7/2021 (tức ngày 24 - 30/5 âm lịch).

- Đợt 2: Từ ngày 02 - 08/8/2021 (tức ngày 24/6 - 01/7 âm lịch).

Hiện nay diện tích lúa Hè Thu sạ sớm tại các huyện như Châu Thành A, Vị Thủy đã thu hoạch nông dân có thể xuống giống trong đợt 1 nhưng cần lưu ý tuân thủ thời điểm xuống giống để né rầy nâu di trú.

Đối với diện tích lúa Hè Thu còn lại thu hoạch muộn, có thể xuống giống ở khu vực có hệ thống đê bao kiên cố, điều kiện thoát nước tốt, chủ động bơm tác để hạn chế nước lũ gây ngập úng.

Bên cạnh đó, mùa mưa năm 2021 diễn biến rất phức tạp, cần tuyên truyền để nông dân thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão khi quyết định xuống giống.

3. Các biện pháp kỹ thuật cần chú ý trong vụ Thu Đông 2021

- Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày vùi rơm rạ ngay và đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 20 ngày trước khi gieo sạ để tránh ngộ độc hữu cơ. Có thể sử dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, hạn chế thối rễ cho lúa.

- Áp dụng sạ thưa, sạ hàng với lượng giống <100 kg/ha hoặc cấy. Kết hợp đánh nhiều rãnh thoát nước để hạn chế ngập, úng.

- Xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng, “né rầy” để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

- Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, IPM, công nghệ sinh thái, …trong quản lý dịch hại.

- Sau khi gieo sạ nếu rầy di trú vào ruộng thì đưa nước vào ngập “chảng ba” cây lúa để hạn chế rầy nâu chích hút và đẻ trứng.

- Hạn chế phun thuốc trừ sâu đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh sinh vật gây hại bộc phát ở giai đoạn sau.

* Một số lưu ý:

Một số vùng có tập quán xuống giống lúa Thu Đông trễ so với khung thời vụ của tỉnh, cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 31/8/2021.

Tùy tình hình rầy nâu di trú vào đèn và điều kiện thời tiết, thủy văn của từng vùng, các địa phương theo dõi và quyết định lịch thời vụ phù hợp trên địa bàn quản lý. Đồng thời tuyên truyền để nông dân tuân thủ lịch xuống giống của địa phương, không nóng vội xuống giống do khả năng rầy nâu di cư với mật số cao từ ruộng lúa Hè Thu đang thu hoạch sang gây hại trên lúa Thu Đông ở giai đoạn mạ.

4. Giống lúa

- Khuyến cáo bà con nông dân sử dụng hạt lúa giống cấp xác nhận trở lên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở cung cấp giống uy tín.

- Về cơ cấu giống: Sử dụng một số giống có khả năng chống chịu trong điều kiện thời tiết bất lợi ở vụ Thu Đông như: OM 5451, OM 6976, OM 2517, OM 4900, OM 18...

5. Công tác tuyên truyền và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất

- Tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân về việc tuân thủ lịch thời vụ được ngành chuyên môn địa phương hướng dẫn và sử dụng hạt lúa giống cấp xác nhận trở lên.

- Tập huấn, vận động nông dân áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy,… để giảm lượng giống lúa gieo sạ.

- Tổ chức triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả trên địa bàn như: 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, sản xuất an toàn, ...

- Tăng cường bón lót phân hữu cơ. Sử dụng các dạng phân Ure chậm tan để hạn chế thất thoát đạm.

- Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, bón phân cân đối, quản lý nước tưới tiêu hợp lý… Qua đó khuyến khích và vận động nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất, nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất, đảm bảo năng suất và tăng thu nhập.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

 - Thường xuyên chỉ đạo các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện thị thành tăng cường tuyên truyền vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ. Theo dõi cập nhật tiến độ xuống giống theo kế hoạch.

 - Chỉ đạo viên chức Trồng trọt và BVTV tại địa phương thăm đồng, tập huấn kỹ thuật, tư vấn cho nông dân trong việc phòng trừ sinh vật gây hại.

- Theo dõi bẩy đèn để dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại kịp thời tính chính xác cao và hiệu quả thiết thực.

- Theo dõi cập nhật và thông tin các diễn biến thời tiết bất thường như: mưa bão đầu vụ, cuối vụ  để có đề xuất biện pháp hỗ trợ khắc phục, tránh thiệt hại nặng đến năng suất lúa.

- Chủ trì tổng hợp báo cáo tình hình sản xuất trong vụ lúa Thu đông 2021.

- Kết hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang dự báo tình hình sinh vật gây hại hàng tuần để nông dân chủ động phòng trừ.

2. Chi cục Thủy lợi

- Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ các công trình thủy lợi, vận hành hợp lý, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa vụ Thu đông 2021 đạt kế hoạch đề ra.

- Thường xuyên theo dõi và phối hợp thông tin diễn biến thời tiết, mực nước lũ, triều cường, nguồn nước để thông tin kịp thời đến cơ quan chuyên môn, người sản xuất lúa chủ động có giải pháp ứng phó.

- Dự phòng xây dựng các phương án, tổ chức thực hiện ứng phó với bão lụt, ngập úng, khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp

- Chỉ đạo viên chức cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống theo lịch né rầy của ngành nông nghiệp khuyến cáo.

- Tăng cường triển khai và phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, mô hình sản xuất tiên tiến hỗ trợ bảo vệ sản xuất và giảm chi phí đầu tư.

4. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố.

- Căn cứ nội dung kế hoạch này và điều kiện sản xuất cụ thể tại địa phương, xây dựng Kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo việc sản xuất đạt hiệu quả cao.

- Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiệu quả, ứng dụng KHKT giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm.

- Theo dõi sát tình hình sản xuất, báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT để chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, khó khăn (nếu có).

5. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị, thành phố

- Phối hợp địa phương tuyên truyền lịch xuống giống và sử dụng giống lúa cấp xác nhận, biết rõ nguồn gốc để gieo sạ. Ghi nhận các trường hợp sạ không đúng lịch xuống giống.

- Vận động nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng theo đúng yêu cầu kỹ thuật: trục vùi rơm rạ, gia cố bờ bao, đánh nhiều rảnh thoát nước…

- Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng để sớm phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại, đồng thời hướng dẫn, tư vấn cho nông dân biện pháp quản lý và phòng trị kịp thời, hiệu quả.

- Tổ chức tập huấn các biện pháp phòng trừ để nông dân áp dụng tổng hợp  các biện kỹ thuật vào trong thực tế sản xuất lúa.

  - Tham gia, phối hợp triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa tiên tiến trên địa bàn, đề xuất cho việc nhân rộng trong thời gian tới.

  - Chỉ đạo, phân công cán bộ Trồng trọt và BVTV tại cấp huyện, cấp xã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ công tác, bám sát địa bàn và báo cáo định kỳ, đột xuất thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. 

          (Đính kèm chi tiết Kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2021 tại Hậu Giang)

Ngô Văn Thống
Trung tâm Khuyến nông và DVNN

Ý kiến bạn đọc