24/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kỹ thuật sản xuất giống lươn bằng phương pháp bán nhân tạo
 2260
 19/10/2021
Hình: Hệ thống bể nuôi vỗ và sinh sản lươn bố mẹ

Hình: Hệ thống bể nuôi vỗ và sinh sản lươn bố mẹ

Hiện nay, mô hình nuôi lươn thương phẩm đang phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói chung và thị xã Long Mỹ nói riêng. Do lươn là loài thủy đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Lươn rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp do bà con có thể tận dụng chuồng heo củ hoặc bể lót bạt để nuôi. Tuy nhiên, bà con đang gặp khó trong vấn đề mở rộng quy mô sản xuất, do con giống ngày càng khan hiếm, không đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Vì vậy, sản xuất lươn giống bằng phương pháp bán nhân tạo là giải pháp vừa giúp bà con chủ động được nguồn con giống vừa giảm áp lực khai thác nguồn giống tự nhiên.

Đầu năm 2021, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ xây dựng kế hoạch tập huấn FFS về kỹ thuật sản xuất giống lươn bằng phương pháp bán nhân tạo cho 20 học viên tại xã Long Phú và bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể. Sau khi tham gia khóa tập huấn, đã có 4 hộ đã ứng dụng quy trình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo tại nhà và mô hình có khả năng nhân rộng rất cao trong thời gian tới. Sau đây, xin giới thiệu đến bà con quy trình kỹ thuật về sản xuất giống lươn bằng phương pháp bán nhân tạo.

1. Thiết kế bể nuôi sinh sản:

Tùy thuộc vào điều kiện của bà con, bể được thiết kế dạng nổi hay chìm trên mặt đất, diện tích bể trung bình khoảng 10m2, thường có hình chữ nhật chiều rộng 2m, chiều dài 5m và chiều cao khoảng 6 tấc để thuận tiện cho việc chăm sóc. Có thể xây dựng dạng bể xi măng hoặc bể lót bạt. Ưu điểm của bể lót bạt rất dễ làm và ít tốn chi phí, bà con có thể tận dụng tre, gỗ xung quanh nhà để làm khung bể, dùng bạt nilong phủ kín đáy và xung quanh bể.

Nguồn nước: nước cấp phải là nước sạch không bị ô nhiểm, đã qua lắng lọc trước khi đưa vào sử dụng, tốt nhất nên sử dụng nước giếng khoan, ngưỡng pH dao động từ 6,5 – 7,5. Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, ống thoát nước xả tràn để giữ mực nước ổn định trong bể nuôi.

Bố trí đất: Đối với lươn sinh sản, đất tốt nhất là đất sét pha thịt, sử dụng tốt nhất là đất mặt ruộng. Đây là loại đất dẻo khi bố trí lươn quậy ổ đẻ, đất không bị sụp.  Đất được chất xung quanh bể với chiều cao 3 đến 4 tấc, chiều ngang 5 tấc. Mức nước sâu trung bình khoảng 4 tấc.

Hình: Bố trí đất đưa vào bể

Sau khi bố trí đất vào bể, rải vôi với liều lượng 3 – 5kg/100m2 đất, sau đó đưa nước vào ngâm từ 2 – 3 ngày  tháo nước ra và lập lại ít nhất 3 lần. Trên bề mặt ụ đất nên trồng thêm các loại cây cỏ thủy sinh có rễ chùm như cây cù nèo, tai tượng, môn nước,… tạo môi trường tự nhiên cho lươn sinh sản. Dùng lưới lan, tàu dừa đan thành tấm đậy lên bể để che mát cho lươn.

2. Chọn lươn bố mẹ và nuôi vỗ:

Nguồn con giống bố mẹ nên mua từ các hộ nuôi lân cận ở các nơi khác nhau để tránh hiện tượng cận huyết. Không nên mua lươn bố mẹ thu gom ngoài tự nhiên để tránh mua phải lươn xiệc điện hoặc đánh bắt bằng thuốc. 

Lươn có thể sinh sản quanh năm bằng phương pháp bán nhân tạo, tuy nhiên lươn tập trung đẻ rộ vào mùa mưa. Là loài lưỡng tính, khi thành thục và bắt đầu sinh sản thì đa số là lươn cái và sau thời gian sinh sản, kích cở tăng và chuyển thành lươn đực. Khi chọn lươn bố mẹ cần quan sát, đối với lươn thành thục da bụng lươn cái mỏng, bụng hơi phình to do buồng trứng phát triển, lỗ sinh dục hơi dẹt và hồng. Khi nắm chặt thân lươn làm cho da bụng căng lên có thể nhìn thấy buồng trứng trong xoang bụng. Vì vậy lươn khi mua về phải đạt từ 10 tháng nuôi trở lên và có trọng lượng từ 30g đến 100g là tốt nhất.

Hình: Lươn cái có lỗ sinh dục hơi dẹt và hồng

Khi vận chuyển lươn về trước khi thả vào bể nên đổ lươn ra xô hoặc thau lớn cho lươn nghỉ 1 – 2 giờ, sau đó dùng nước muối 5% hoặc thuốc tím 1 – 2g/m3 tắm 30 phút để loại bỏ nấm và ký sinh trùng, tiếp tục ngâm vitamim C 5 – 10g/m3 trước khi thả vào bể. Để hạn chế sốc cho lươn nên thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ thả là 8 – 10 con/m2, không bố trí quá dầy vì khi sinh sản lươn quậy ổ sẽ làm sụp đất trong bể.

Sau khi thả nuôi, ngày đầu không nên cho ăn để lươn làm quen với môi trường mới. Thức ăn cho lươn bố mẹ, có thể sử dụng các loại thức ăn như: thức ăn tươi sống (cá tạp, trùn, tép, ốc,...), thức ăn phối trộn, thức ăn công nghiệp. Thức ăn phải tươi, vừa cở miệng lươn, không ôi thiu, có độ đạm từ 40 – 45%. Khẩu phần ăn có thể dao động từ 2 - 5% trọng lượng thân, nên cho ăn vào lúc chiều mát, đây là thời điểm lươn bắt mồi tốt nhất. Định kỳ bổ sung thêm vitamin C và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho lươn. Nên cho ăn đủ, đúng khẩu phần và giảm lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi. 

Thức ăn cho vào sàn ăn đặt vào vị trí cố định trong bể, sau khi cho lươn ăn khoảng 2 giờ, bà con kiểm tra lượng thức ăn trong sàn ăn, nếu còn dư nên vớt bỏ để tránh ô nhiễm nguồn nước. Tùy vào mức độ ô nhiễm của nước trong bể mà có thể thay định kỳ 1 lần/tuần. Tùy vào chất lượng lươn bố mẹ khi thả nuôi, sau thời gian nuôi vỗ 1 - 2 tháng thì lươn bắt đầu sinh sản.

3. Thu và ấp trứng:

Dụng cụ để thu và vớt trứng lươn như: các loại vợt lưới có kích cở mắt lưới nhỏ hơn 3 li, bộ sục khí, thau nhựa và bể ương lươn giống.

Sau khi bố trí lươn bố mẹ vào bể khoảng 10 – 15 ngày thì lươn sẽ bắt đầu đẻ, khi thấy tổ bọt xuất hiện trên miệng hang hoặc trên mặt nước, tổ bọt lớn dần vào chiều tối thì sáng hôm sau lươn đã đẻ. Cần chú ý quan sát để phát hiện sớm những đám bọt này, căn cứ vào màu sắc của đám bọt để tiến hành thu trứng lươn: khi kiểm tra tổ bọt có bọt màu trắng - lươn bố mẹ mới làm tổ, trứng mới đẻ màu vàng chanh, không nên thu. Tốt nhất là thu những đám bọt có màu vàng đậm đến màu nâu hoặc trắng đục, đây là giai đoạn trứng đã có phôi phát triển và một số đã nở.

Hình: Tiến hành thu trứng khi tổ bọt có màu vàng đậm

Dùng vợt thu hết phần bọt này cho vào thau, trứng vớt lên thường có lẫn bùn đất nên rửa nhẹ nhàng nhiều lần bằng nước sạch. Nước được sử dụng là nước sạch, đã được sát khuẩn và lắng lọc 2 ngày trước khi đưa vào bể ấp. Dùng khay nhựa có chứa nước sạch và sục khí nhẹ, để cung cấp đủ oxi cho trứng, lươn bột phát triển. Mật độ ấp 3.000 – 3.500 trứng/m2.

Hình: Bố trí trứng vào khay ấp

Nhiệt độ nước ấp trứng thích hợp nhất từ 28 – 300C. Thay nước 2 – 3 lần/ngày. Thường xuyên theo dõi và vớt hết trứng ung ra khỏi khay ấp tránh làm ô nhiểm nước trong khay ấp. Sau 5 ngày trứng bắt đầu nở, sau 2 – 3 ngày thì nở hết hoàn toàn.

4. Ương từ bột lên giống :

Lươn con mới nở thân rất nhỏ, dưới bụng mang noãn hoàng to chiều dài tối đa khoảng 2 cm, ít cử động, chỉ nằm im dưới đáy bể, nên trong thời gian này sục khí phải được duy trì liên tục. Lươn nở được 4 – 5 ngày thì chuyển sang bể ương.

Khi lươn có sắc tố nâu đen, có thể bắt mồi bên ngoài cung cấp thêm giá thể là dây nilon xé nhỏ tạo nơi trú ẩn cho lươn và sục khí liên tục nhằm tăng cường oxy cho lươn bột. Thức ăn chính là trứng nước hoặc trùn chỉ, thức ăn chiếm 5% trọng lượng thân, cho ăn 4 lần trong ngày và thay nước trước khi mỗi lần cho lươn ăn. Định kỳ 10 - 15 ngày chặt lồng phân cở đàn lươn để hạn chế lươn ăn nhau.

Sau 20 – 30 ngày thì lươn có thể ăn trùn quế băm nhỏ, thời điểm này nên bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng cho lươn con. Sau khi cho lươn ăn 1 giờ kiểm tra lượng thức ăn thừa trong sàn ăn, để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp. Định kỳ 1 tuần/lần nên tạm ngưng cho ăn 1 ngày trước khi tăng lượng thức ăn: tăng 15 – 25%  so với lượng thức ăn của kỳ trước.

Khi lươn được 1 tháng tuổi thì định kỳ 2 tuần/lần phân cỡ lươn giống nhằm nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế phân đàn, cạnh tranh mồi. Định kỳ hòa nước muối tạt khắp bể với liều lượng 30 – 50gram/m2 trước khi cấp nước vào. Để sát khuẩn và hạn chế mầm bệnh trong bể.

Hình: Phân cở lươn giống

Sau thời gian ương khoảng 60 – 75 ngày, kích cỡ đạt 500 – 600 con/kg, lúc này lươn hoàn toàn đã sử dụng thức ăn công nghiệp. Tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc tỷ lệ sống ước đạt 70 – 80%.

Giai đoạn này bà con có thể xuất bán giống hoặc chuyển qua bể nuôi thương phẩm. Lưu ý trước khi xuất lươn tạm ngưng cho ăn 1 ngày trước khi chuyển sang bể nuôi thương phẩm, phân cỡ và bố trí mật độ thích hợp.

Lươn giống khi sinh sản bằng phương pháp bán nhân tạo khỏe mạnh, sạch bệnh, kích cở đồng đều và ít hao hụt khi nuôi thương phẩm. Với quy trình kỹ thuật về sản xuất giống lươn bằng phương pháp bán nhân tạo không những giúp bà con giảm chi phí đầu tư về con giống, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Huỳnh Thị Hồng Quyên
Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc