19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kỹ thuật trồng rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh
 1044
 17/08/2021
Hình. Trồng rau trên giàn thủy canh động

Hình. Trồng rau trên giàn thủy canh động

Thủy canh là phương pháp trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng pha sẵn mà không cần dùng đất. Kỹ thuật này đã có từ lâu đời nhưng trong những thập niên gần đây mới được nghiên cứu cải tiến và ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau ăn lá vì rất thích hợp. Thời gian thu hoạch ngắn hơn, năng suất cao hơn, chất lượng đảm bảo hơn, độ an toàn cao hơn rau trồng theo truyền thống. Có thể trồng quanh năm ở bất cứ nơi đâu và trồng được trên diện tích tối thiểu. Phương pháp này dễ thực hiện, giảm công lao động (không còn làm đất, làm cỏ, tưới nước, bón phân) và có thể ứng dụng kỹ thuật tự động. Tuy nhiên phương pháp này chi phí đầu tư ban đầu cao.

I. CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN TRỒNG RAU THỦY CANH

1. Hệ thống thủy canh hồi lưu (thủy canh động)

 Hệ thống thủy canh động: Dung dịch chuyển động trong quá trình trồng cây. Hệ thống này chi phí cao hơn nhưng rễ cây không bị thiếu oxy.

2. Hệ thống thủy canh tĩnh

Dung dịch thủy canh được cho vào thùng chứa và để yên, dung dịch dinh dưỡng không chuyển động trong quá trình trồng cây. Hệ thống này có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp vì không cần hệ thống làm chuyển động dung dịch nhưng hạn chế là thường thiếu oxy và pH thường giảm gây ngộ độc cho cây.

II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

1. Chọn giống: Các loại cải, xà lách, rau muống, mồng tơi….được chọn để trồng thủy canh vì có thời gian sinh trưởng ngắn

2. Chuẩn bị cây con chuẩn bị lên giàn thủy canh: ươm cây phát triển 2-3 lá thật bắt đầu cho lên giàn thủ canh

3. Chuyển cây lên giàn
Chọn những cây đã được trồng trong rọ nhựa khỏe mạnh, độ dài rễ 3-5 cm, không có dấu hiệu bệnh sinh lý như vàng lá, đỏ lá hay cây còi cọc kém phát triển hoặc các dấu hiệu bị bệnh như héo lá, đen gốc, đen hay thối rễ… và chuyển lên giàn thủy canh nhưng chú ý không làm cho cây bị gãy, dập lá, hoặc đứt rễ.

4. Pha dung dịch dinh dưỡng cây trồng cho hệ thống

 Thường dung dịch thủy canh được chia làm 2 phần: A và B được đóng gói riêng biệt, một phần chứa các thành phần đa lượng: N,P,K, một phần chứa trung và vi lượng Ca, Mg, Fe, Mn....... Khi pha, pha dung dịch A vào 1 thùng, dung dịch B vào 1 thùng và tính toán số lượng vừa đủ cho một vụ rau, sau đó pha dung dịch A vào thùng chứa, thêm nước rồi mới cho dung dịch B vào với tỉ lệ A, B là 1:1, tỉ lệ dung dịch A,B với nước là 1: 100 tùy yêu cầu cho từng giai đoạn của rau.

Cách thức và thời gian cung cấp dinh dưỡng trong thời gian nuôi trồng như sau:

Tuổi cây (ngày)

Nhiệt độ (độ C)

TDS (ppm)

pH

5 - 10

25 - 30

400

5,5 -6,5

10- 17

25 - 30

600

5,5 -6,5

17-27

25 - 30

1.000

5,5 -6,5

27- 37

25 - 30

1.500

5,5 -6,5

37-47

25 - 30

1.500

5,5 -6,5

47- 50

25 - 30

0

5,5 -6,5

* Lưu ý: có thể tăng giảm nồng độ dinh dưỡng (TDS) qua quan sát sự phát triển của rau. Muốn tăng TDS thì ta bổ sung thêm khoáng chất (phân) vào dung dịch và ngược lại. Muốn giảm pH thì có thể sử dụng H3PO4 hay HNO3, muốn tăng pH thì dùng KOH để thêm vào dung dịch.

5. Bổ sung nước cho hệ thống

Trong quá trình trồng, tùy thuộc vào thời tiết và độ phát triển của cây mà lượng nước trong hệ thống sẽ bị bay hơi, do vậy cứ 2 ngày cần quan sát và bổ sung thêm nước cho đầy thùng chứa vào buổi sáng để tránh bị cạn nước trong thùng chứa và trong hệ thống. Trong toàn bộ quá trình trồng hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chế phẩm phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào khác. Nguồn nước sử dụng để pha dung dịch dinh dưỡng và nước bổ sung cho hệ thống giàn rau trong suốt thời gian nuôi trồng là nước sạch không qua bất cứ quá trình xử lý thêm nào khác.

6. Chăm sóc cây rau trồng thủy canh

Trong quá trình trồng cần tiến hành tỉa lá già, sâu bệnh để nấm bệnh không phát triển, bắt sâu nếu thấy sâu hại xuất hiện, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu trồng với qui mô lớn và hệ thống thủy canh hồi lưu thì nên bố trí máy phát điện dự phòng dùng khi mất điện.

Bên cạnh đó, do rau được trồng trong nhà màng, nên phải bố trí 2 lớp cửa, ra vào cẩn thận: mở lớp của 1, đi vào và đóng lớp cửa 1 mới được mở lớp cửa 2, khi vào và ra khỏi phải luôn đảm bảo 2 lớp cửa được đóng chặt.

Lê Châu Tứ
Trung tâm Khuyến nông và DVNN

Ý kiến bạn đọc