28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kỹ thuật thuần dưỡng lươn ngoài tự nhiên
 3109
 14/07/2021
Ảnh: Lươn được thuần trong bể với giá thể dây nilon

Ảnh: Lươn được thuần trong bể với giá thể dây nilon

Lươn đồng là một trong những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, với chi phí đầu tư ít, tận dụng công lao động nhàn rỗi và tận dụng đất sẵn có xung quanh nhà của mỗi gia đình.

Gần đây trên địa bàn thị trấn Bảy Ngàn một số hộ nuôi lươn tự phát tuy nhiên không mấy nông dân nuôi thành công. Đúc kết từ học tập và thực tiễn xin trao đổi cùng bà con một số biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hao hụt lươn ở giai đoạn đầu thả giống gồm kỹ thuật chọn giống, cách vận chuyển, cách thuần dưỡng và tập cho lươn ăn.

1. Kỹ thuật chọn giống

Cỡ giống thả tốt nhất từ 40 – 60 con/kg. Giống quá nhỏ, khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn thì khi mua nên lưu ý nguồn giống, vì cỡ giống lớn lươn hay bị chết khoảng sau 2 tuần nuôi do bị giãn cột sống lúc bị đánh bắt bằng thuốc hoặc điện.

Nên chọn con giống có màu vàng sẫm, vì loại này có sức sống và tăng trưởng tốt; những con màu đen hoặc xám tro nuôi chậm lớn hơn.

2. Cách vận chuyển giống

Nên dùng vật dụng trơn láng để chứa lươn và cho thêm một ít nước, giá thể như rau chay, rau muống, rau dừa, lục bình, dây nylon,… để che mát và tạo chỗ trú ẩn cho lươn. Chiều dầy lớp lươn vận chuyển không quá 20cm, nếu quá dầy lớp lươn phía dưới bị đè và khó tiếp xúc được với oxy để hô hấp, lươn bị tuột nhớt. Không nên vận chuyển lươn trong những vật dụng kín, bề mặt tiếp xúc nhỏ, lươn khó tiếp xúc với oxy để hô hấp.

3. Cách thuần dưỡng lươn giống

Trước khi thả vào bể thuần dưỡng phải tắm lươn. Pha 200 – 300g muối hột/10 lít nước hòa tan tắm từ 20 – 30kg lươn giống, thời gian tắm từ 5 – 10 phút rồi cho lươn vào bể dưỡng.

Bể dưỡng có thể là bể xây lát gạch hay bể lót bạt, mật độ dưỡng từ 3 – 5 kg/m2, chiều sâu nước từ 1 – 1.5 cm. Trong bể dưỡng đặt giá thể như: lục bình, rau muống, rau dừa, dây nylon,… Thời gian dưỡng từ 20 – 25 ngày tùy theo nguồn giống. Khi không còn thấy lươn chết và lươn bơi lội nhanh nhẹn thì có thể thả vào bể nuôi.

4. Chăm sóc và nuôi dưỡng

Sau khi thả vào bể nuôi khoảng 2 ngày bắt đầu tập cho ăn từ từ ngày 2 lần sáng sớm và chiều tối, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật lươn rất nhanh lớn, ít mắc bệnh, nếu có chỉ là bệnh ký sinh trùng, bệnh ngoài da,… rất dễ điều trị. Nuôi lươn không bùn rất ít chi phí, dễ chăm sóc, nhu cầu thị trường cao ổn định. Nếu tuân thủ đúng quy tắc “bốn định” bao gồm định khối lượng thức ăn, định chất lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn thì lươn rất nhanh lớn.

5. Một số điểm cần lưu ý

Giai đoạn đầu thả giống, lươn thường bị sốc môi trường biểu hiện là lươn xáo trộn trong bể, tụm lại 4 góc quấn vào nhau, tiết nhiều nhớt, ngoi đầu lên thở. Những con bị nặng, đầu sưng phồng lên, xuất huyết và chết. Để phòng bệnh này ta sử dụng BIO BEN-DINE 9000 và kháng sinh thủy sản như BayMet hoặc Doxycyllin hoặc Florphenicol pha nước tạt theo hướng dẫn nhà sản xuất.

Trong suốt thời gian thuần dưỡng, không được cho lươn ăn và phải thay nước ít nhất 2 lần/ngày. Quan sát thu gom và loại bỏ ngay những con chết, con yếu ra khỏi bể ương.

Nguyễn Văn Hảo
Khuyến nông thị trấn Bảy Ngàn, Châu Thành A

Ý kiến bạn đọc