25/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Phòng ngừa sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
 748
 14/07/2021
Hình bòn bon vào vụ thu hoach

Hình bòn bon vào vụ thu hoach

Hiện nay, giống bòn bon Thái đang được trồng khá phổ biến để thay thế giống địa phương vì giống bòn bon này có chất lượng ngon, ngọt, ít hạt. Đây là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, có tính thích nghi tốt, chịu được bóng râm nên thường được trồng xen trong vườn cây. Mặc dù bòn bon Thái ít sâu bệnh nhưng hộ trồng cần lưu ý một số sâu, bệnh hại thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa làm giảm năng suất và chất lượng trái nghiêm trọng.

1. Rệp sáp

Vào giai đoạn cho quả thường xuất hiện nhiều sâu bệnh quan trọng như thán thư trái, sâu đục quả nhện đỏ và rệp sáp. Tuy nhiên xử lý rệp sáp trên bòn bon rất khó bởi vì cây cho trái mọc thành chùm rất nhiều quả, rệp sáp lại thường sinh sôi ở những kẽ trái mà khi phun thuốc thường ít hiệu quả.

Hình: Rệp bám trên cuống trái

Do đó khi cây bắt đầu cho trái, chúng ta thường xuyên theo dõi vườn:

- Ghi chú ngày ra hoa (từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 3 tháng), ngày đậu trái.

- Ghi chú ngày phát hiện ra rệp sáp trong vườn.

- Ghi chú vị trí rệp sáp xuất hiện ở cơ quan nào trên cây (gốc, thân, cành, lá, trái).

- Nếu đã xuất hiện rệp sáp thì nên phun thuốc ngay, nhất là khi trái chưa đủ lớn để giao tiếp nhau lúc này phun thuốc rất dễ tiếp xúc với rệp sáp do đó hiệu quả thuốc sẽ nâng cao, hạn chế được việc phun thuốc kéo dài về sau.

- Ghi rõ tên hoạt chất thuốc, tên thương mại và ngày phun thuốc, cũng như lượng thuốc đã dùng.

- Theo dõi và ghi lại ngày rệp sáp bắt đầu chết, ngày nào rệp tái xuất hiện và cần phải xử lý lại.

- Thuốc trừ rệp sáp cây ăn trái có thể sử dụng: VIDIFEN 40 EC, VITHOXAM 350SC… khi phun thuốc nên chỉnh vòi phun mịn đảm bảo thuốc thấm đều trên cây.

- Khi phun cần phải lưu ý thời gian cách ly.

- Lưu ý khi thu hoạch tránh xây xát để vỏ trái không bị thâm đen.

2. Sâu đục vỏ cây

Sâu đục vỏ cây là loài gây hại nguy hiểm nhất trên cây bòn bon. Thành trùng đẻ trứng vào ban đêm nơi có vỏ cây nứt ra. Sâu non khi nở ra chúng không đục vào bên trong, chỉ nằm dưới lớp vỏ, ăn luồn làm cho nhiều nơi bị bong ra, để lộ lớp vỏ non bên trong, tạo điều kiện cho nấm bệnh, vi khuẩn xâm nhiễm vào gây hại cho cây. Sâu thường bắt đầu tấn công khi cây đến tuổi cho trái, có lớp vỏ dày bên ngoài thân, đủ che chở cho chúng sống bên dưới.
Hình: Sâu đục vỏ gây hại trên thân cây bòn bon. 
Nếu mật độ cao, sâu làm cây kém phát triển, chậm ra đọt non. Vào giai đoạn ra hoa, bị sâu này tấn công sẽ làm hoa đậu ít, trái nhỏ. Khi phát hiện sâu đục vỏ, dùng dao lột bỏ phần vỏ bị sâu gây hại và phun thuốc trừ sâu lưu dẫn, tập trung phun kỹ vào phần thân cây bị hại.

3. Bệnh thối trái

Bệnh thối trái thường gây hại trên bòn bon giai đoạn trái non đến chín, làm giảm năng suất và chất lượng trái nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do nấm gây hại trên trái, vườn cây trồng dày, thiếu ánh sáng, đất ẩm thấp đọng nước, bón thừa phân đạm làm bệnh phát triển mạnh

Hình: Triệu chứng bệnh thối trái bòn bon.

Đầu tiên có vài chấm nhỏ màu nâu đen trên trái, sau đó thối cả trái. Bệnh lây lan rất nhanh trong thời gian rất ngắn.  

 Quản lý bệnh thối trái nên vệ sinh vườn cây cho thông thoáng, thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy, bón phân chuồng hoai mục kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế bệnh phát triển. Sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Fosetyl Aluminium,… phun khi bệnh mới chớm. Chú ý khi phun thuốc giai đoạn trái lớn nên bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi tồn trữ và vận chuyển cần loại bỏ hoàn toàn những trái bị bệnh để tránh lây lan.

Bùi Bích Ngọc
Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc