17/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Thị xã Long Mỹ: Hiệu quả mô hình nuôi cá thát lát theo hướng ATVSTP tại xã Long Bình
 444
 15/03/2023
Hình ảnh mô hình nuôi cá thát lát của ông Lê Hoàng Duyên

Hình ảnh mô hình nuôi cá thát lát của ông Lê Hoàng Duyên

Những mô hình nuôi thủy sản đang được triển khai thực hiện ở thị xã Long Mỹ góp phần cho định hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn, giúp cho nền kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Điển hình như mô hình cá thát lát của ông Lê Hoàng Duyên ấp Bình Thuận xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, mô hình này đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Cá thát lát là loại thủy sản có giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế kinh tế cao và là sản phẩm chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Mô hình của ông Lê Hoàng Duyên, ở ấp Bình Thuận xã Long Bình có quy mô 7 ao cá thát lát cườm với khoảng 700.000 con. Là hộ có nhiều kinh nghiệm nên ông Duyên cho rằng cá thác lát cườm rất dễ nuôi, dễ chăm sóc và không cần nguồn nước thật sạch như một số loài cá khác. Mỗi ao nuôi, ông đào sâu khoảng 2m. Mực nước phải giữ cao vì vậy cứ vài ngày phải bơm nước vào một lần. Hiện thức ăn cho cá mà ông Duyên sử dụng phần lớn là thức ăn công nghiệp, thường xuyên bổ sung vitamin C và men tiêu hoá cho cá. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng sớm và chiều mát. Thức ăn rải đều trên mặt ao với tỷ lệ 10 kg (sáng), 15 kg (chiều). Với giá thành sản xuất khoảng 40.000 đồng/kg cá thành phẩm và giá thị trường luôn hơn 70.000 đồng/kg như hiện nay giúp người nuôi lãi hơn 50%.

Ông Duyên cho biết: “Việc nuôi cá thác lát bằng thức ăn công nghiệp có thể chủ động được nguồn thức ăn, đồng thời nuôi trong ao như vậy nguồn nước ít bị nhiễm bệnh, cá lớn nhanh, khỏe. sử dụng thức ăn công nghiệp thì tỷ lệ thành công đạt hơn 87%, trong khi sử dụng thức ăn tươi sống từ cá tạp thì hao hụt sẽ nhiều, giá thành cao, môi trường nước lại ô nhiễm. Nuôi cá bằng thức ăn tươi sống thì tỷ lệ thành công rất thấp”.

Hiện nay ông Duyên còn thả nuôi cá rô phi, cá sặc rằn ghép với cá thát lát cườm, để làm mồi cho cá thát lát cườm, giúp cải tạo ao nuôi do cá sặc rằn ăn rong, hạn chế ô nhiễm nguồn nước…Ngoài ra, ông Duyên còn liên kết với Đại lý Thanh Khiết của công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long ở chợ Nàng Mau, huyện Vị thủy cung cấp thức ăn công nghiệp và bao tiêu đầu ra cá thát lát thương phẩm. Công ty này còn xây dựng nhà thí nghiệm, cử cán bộ kỹ thuật trực tại ao nuôi để theo dõi sự sinh trưởng của cá thát lát, phân tích mẫu bệnh, dư lượng kháng sinh để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cán bộ kỹ thuật cũng thường xuyên xuống mô hình để nắm bắt tình hình đồng thời có những chính sách hỗ trợ để hộ phát triển như tham mưu cho UBND xã gửi hồ sơ và thủ tục cho phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ để hỗ trợ sản phẩm cá thát lát của cơ sở ông Duyên đạt tiêu chuẩn VietGap. Cơ sở này đang xin thủ tục mở rộng thêm diện tích nuôi 2 ha ở ngọn Xẻo Trâm và mở cơ sở chế biến cá thát lát, hướng tới đăng kí xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. 

Ông Trịnh Minh Tình, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu; sử dụng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp tập trung hơn trong xây dựng mô hình mới đồng thời lồng ghép các nguồn vốn khác, để xây dựng những mô hình chất lượng tốt để người dân tham quan nhân rộng".

Phạm Duy Kha
Tổ kỹ thuật xã Long Bình, thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc