25/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Châu Thành: Canh tác cây mít Thái theo hướng hữu cơ, gắn kết chuỗi sản xuất nâng cao giá trị
 40
 19/10/2021
Ảnh: Anh Võ Hoàng Ân đang thu hoạch vườn mít của gia đình

Ảnh: Anh Võ Hoàng Ân đang thu hoạch vườn mít của gia đình

Mô hình canh tác vườn mít Thái theo hướng hữu cơ của anh Võ Hoàng Ân - ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bước đầu cho thấy nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng, đặc biệt là giảm tỷ lệ bệnh sơ đen trái mít trong mùa mưa rất đáng kể.

Xuất phát từ việc yêu nghề nông từ thuở nhỏ với anh tràng trai còn trẻ tuổi đó là anh Võ Hoàng Ân, cách đây 5 năm anh Ân có một suy nghĩ thật sâu xa và chọn cách làm vườn theo hướng hữu cơ để sản phẩm mình làm ra được thị trường chấp nhận và có đủ sản lượng mở thị trường xuất khẩu, cũng như sản xuất gắn theo chuỗi để nâng cao giá trị nông sản. Xuất phát từ suy nghĩ trên, năm 2016 anh võ Hoàng Ân đã tích góp mua được diện tích vườn 4 ha đất, anh mạnh dạn đầu tư cải tạo trồng chuyên cây mít Thái siêu sớm đến nay vườn cây được 3 năm tuổi, ngoài ra anh còn mua thêm vườn cây mít lá với tổng diện tích anh Ân đang canh tác hiện tại đã được 10 ha, vườn mít đã và đang cho trái thu hoạch ổn định. 

Anh Hoàng Ân chia sẻ, Đối với việc mạnh dạn đầu tư của anh như thế là anh muốn tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng hữu cơ, theo chuỗi sản xuất nâng cao giá trị, đồng thời để có đủ sản lượng cung cấp thị trường xuất khẩu. Tháng 3 năm 2021 anh Ân đã vận động được 22 bà con nông dân cùng ý tưởng làm thành viên, tự nguyện đề xuất các cấp, ngành chuyên môn hoàn thành thủ tục ra mắt thành lập "Hợp tác xã trồng mít theo hướng hữu cơ" tại ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Bước đầu Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trở ngại. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành chuyên môn anh đã vận động cùng thành viên hợp tác xã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thực hiện quy trình sản xuất vườn mít theo hướng hữu cơ để sản xuất theo hướng bền vững. Đặc biệt, là sản xuất theo hướng hữu cơ thì cây mít phát triển tốt đồng đều, cây cho trái đạt loại thương phẩm rất cao, tỷ lệ bệnh sơ đen vào mùa mưa rất thấp khoảng 7 - 10% so với nông dân không ứng dụng quy trình này thì tỷ lệ có thể bị bệnh sơ đen trên 50 - 70 %..

Ảnh: Công nhân lao động của anh Hoàng Ân chuyển mít đang thu hoạch.

Được biết, với 10 ha của anh Hoàng Ân hiện tại đang cho thu hoạch vụ trái này được 8 ha, cứ 7 ngày là chu kỳ thu hoạch một lần. Ước tính của vụ này anh Ân cho biết 90 tấn trái bình quân loại 1 giá 26.000 đồng/kg, loại 2 giá 14.000 đồng/kg và anh thu về trên vài trăm triệu đồng/vụ.

Hiện tại, anh Ân là Giám đốc Hợp tác xã, mặc dù chưa có trụ sở làm việc cụ thể nhưng hàng ngày anh đã thuê bình quân 10 lao động "cùng ăn cùng ở cùng làm" để chăm sóc, thu hoạch cho 10 ha vườn mít của nhà mình, đồng thời thu mua mít trái của các thành viên trong hợp tác xã để chuyển đi cung cấp chợ đầu mối ở Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, vv ... .

Anh Hoàng Ân cho biết thêm, để giảm trung gian nhiều đầu mối của đầu vào và đầu ra trái mít cho hợp tác xã và người nông dân trồng mít tại địa phương, hiện nay anh đã và đang làm đầu mối cung cấp phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các vật tư khác nhằm phục vụ đầu vào cho thành viên hợp tác xã, cũng như đang thu mua mít cho các thành viên hợp tác xã để chuyển đi thị trường tiêu thụ, tuy vậy nhưng chưa được hoàn chỉnh theo ý muốn và đa dạng thị trường tiêu thụ. Hướng tới anh sẽ liên kết hợp đồng với công ty xuất nhập khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ đầu ra xuất khẩu, cũng như cung cấp các vật tư đầu vào cho thành viên hợp tác xã được đa dạng và hoàn chỉnh hơn.

Đây là mô hình sản xuất theo đúng hướng liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản nói chung, trái mít thái siêu sơm nói riêng nhằm góp phần phát triển kinh tế gia đình cho người nông dân đồng thời xây dựng nông thôn mới bền vững tại đại phương.

 

Nguyễn Văn Thiện
Tổ kỹ thuật,Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành

Ý kiến bạn đọc