28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Châu Thành: Nông dân ứng dụng phân hữu cơ trồng ớt hạn chế sâu bệnh cho hiệu quả kinh tế cao
 1126
 16/11/2020
Ảnh: Mô hình ớt của chú Trương Văn Lợi đang cho thu hoạch

Ảnh: Mô hình ớt của chú Trương Văn Lợi đang cho thu hoạch

Mô hình trồng ớt chỉ thiên sử dụng phân hữu cơ đã hạn chế được sâu, bệnh của gia đình chú Trương Văn Lợi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho thấy thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực trạng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đó là vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gốc hóa học. Những thói quen canh tác cũ đã và đang làm chết dần các hệ sinh thái trong đất. Dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình trồng rau màu đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và bảo vệ môi trường. Mô hình trồng ớt chỉ thiên sử dụng phân hữu cơ đã hạn chế được sâu, bệnh của gia đình chú Trương Văn Lợi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Đông Phú là một điển hình.

Đi thăm ruộng ớt đang ra hoa, đậu trái sai quằn đã thu hoạch được vài lứa đầu tiên. Chia sẽ cách làm của mình, chú Lợi cho biết: Chú có 5.000 mét vuông đất vườn trồng bưởi năm roi và có thuê sử dụng lâu dài 2.000 mét vuông đất ruộng, vì đất thuê nên không thể lên vườn, sạ lúa thì vụ nào cũng thất, nên quyết định lên líp giả để trồng 2 vụ dưa leo, khổ qua và 1 vụ trồng ớt chỉ thiên.  Ban đầu chú nghĩ trồng cây rồi thu hoạch là đã lấy đi dinh dưỡng từ đất, sau đó phải bón phân trở lại để trả lại chất dinh dưỡng cho đất. Vì muốn nhanh gọn, chú đã bón phân hóa học, rất tiện lợi cho vài vụ đầu nhưng càng ngày đất càng suy kiệt, càng bón nhiều hơn mà cây chẳng thấy tốt, bệnh thối trái càng nặng thêm, bị mất trắng. Cho đến năm vừa rồi,chú Lợi được tham gia lớp tập huấn chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu, của khuyến nông xã tổ chức, nên chú đã có cách lựa chọn khác là phải bón phân hữu cơ, phân vi sinh và được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn đã áp dụng thành công ở vụ dưa leo vừa rồi. Thấy hiệu quả khả thi, chú Lợi tiếp tục áp dụng tiếp cho vụ ớt này, mặc dù tốn nhiều công để chuẩn bị các loại phân này nhưng nó ổn định từ vụ này đến vụ khác, giảm chi phí phân thuốc hóa học, sản lượng thu hoạch ổn định thì đó là cách làm bền vững hơn.

Với hiệu quả từ cây ớt mang lại, chọn vụ nghịch trồng ớt thu hoạch vào mùa mưa để bán được giá cao, cho thấy chúng ta có thể khắc phục việc trồng ớt vào mùa mưa, với cách làm đơn giản như: đào rảnh thoát nước, bón lót phân chuồng, tránh làm tác động đến rễ của cây ớt và cắm cọc tre, giăng dây giữ không cho gió làm lay động gốc ớt. Đặc biệt, cần lưu ý là vào mùa mưa cây ớt bị thiếu ánh sáng cần thiết cho sự quang hợp nên cần tăng cường bổ sung yếu tố vi lượng, chú Lợi đã sử dụng phân bón vi lượng AV-ROOT 80-HUMI hiệu HC SUPER để bảo vệ và kích thích bộ rễ. Chú Lợi phấn khởi cho biết có lúc hút hàng ớt tăng giá 40.000 đồng/kg, bây giờ cứ cách mỗi ngày thu hoạch được 30kg, với giá bán tại thời điểm này 25.000 đồng/kg, có lúc giá xuống thấp 12.000 đồng/kg vẫn có lời.

Theo kinh nghiệm của chú Lợi rút ra từ những năm trước: đối với ớt thường xảy ra bệnh thán thư, gây hại rất nghiêm trọng, gây thối trái hàng loạt thời điểm khi ớt già đến chín, bị nặng sẽ thất thu hoàn toàn. Vì thế, trong quá trình trồng nên thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây và trao đổi với cán bộ khuyến nông để có giải pháp phun xịt và ngăn chặn kịp thời cây ớt mới đem lại năng suất cao. Do được đầu tư chăm sóc tốt nên cây ớt phát triển khá thuận lợi, cây có nhiều nhánh, trái sai, chỉ với 2.000 mét vuông đất trồng ớt trừ chi phí hạt giống, bón phân gần 5 triệu đồng, chú Lợi vẫn còn lời trên 30 triệu đồng mỗi vụ.  

So sánh hiệu quả kinh tế, chú cho biết nhìn sự phát triển cây ớt có thể cho trái thu hoạch kéo dài từ 4-5 tháng. Để cây ớt phát triển tốt nên duy trì đảm bảo độ ẩm thường xuyên, trời mưa dầm khai thông rảnh thoát nước. Nhờ bón lót phân hữu cơ nên đất tơi xốp thoát nước tốt và bổ sung phân vi lượng thường xuyên, năm nay giảm được 50% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm được hiện tượng rụng lá xanh và bệnh thối nhũn gây hại, cây khỏe mạnh, duy trì cho trái lâu.

Qua quá trình vượt khó học hỏi kinh nghiệm đi đến thành công với mô hình trồng ớt sử dụng phân hữu cơ. Việc áp dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần cải tạo môi trường sinh thái, giảm lượng phân hóa hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và điều quan trọng là giảm chi phí sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Với những lợi ích thiết thực, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương trong tương lai.


 

Nguyễn Thị Ngọc Tài
Viên chức kỹ thuật xã Đông Phú - Trạm Khuyến nông Châu Thành

Ý kiến bạn đọc