Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi trên địa bàn xã đã có nhiều bước tiến đáng kể. Đặc biệt, mô hình nuôi gà Ai Cập theo hướng an toàn sinh học đã mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho nhiều hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương
Ông Thái Thành Lập, ở ấp 5 xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, có nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia mô hình nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị và truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai.
Năm 2022, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông Lập được hỗ trợ 200 con gà Ai Cập về nuôi. Đến hiện tại, sau hơn 2 năm chăm sóc, đàn gà mái đủ tiêu chuẩn lấy trứng của ông đã có khoảng 197con, từ 3 lò ấp ban đầu đến hiện tại đã tăng lên 5 lò ấp, với chi phí đầu tư 700.000 đồng/cái, để vừa bán trứng vừa bán con giống. Hiện đàn gà của ông sinh sản với sản lượng trứng khoảng 160-170 trứng/ngày và cung cấp cho thị trường từ 1.600-1.700 con giống/tháng, chủ yếu giao bán cho khách sỉ trong và ngoài tỉnh Hậu Giang.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân chọn giống gà Ai Cập, ông Lập cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu nuôi gà ta, nhưng năng suất không cao và thường xuyên bị bệnh. Từ khi chuyển sang nuôi gà Ai Cập, thu nhập của gia đình tôi đã tăng lên đáng kể. Hiện tại đàn gà đang phát triển ổn định, giống gà này không chỉ dễ nuôi mà còn cho trứng và thịt chất lượng, rất được thị trường ưa chuộng”.
Theo ông Lập, chi phí ban đầu để xây dựng chuồng trại và mua con giống không quá cao. Một lứa gà Ai Cập từ khi nuôi đến lúc xuất bán chỉ mất khoảng 4-5 tháng, trung bình mỗi tháng gia đình ông chi trả khoảng 5 triệu đồng tiền đầu tư như tiền điện, thức ăn,… mang lại lợi nhuận từ 30-40% so với giống gà ta truyền thống. Với quy mô hiện tại khoảng 197 con gà mái đẻ, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng ông Lập thu về khoảng 30 triệu đồng, một con số đáng mơ ước đối với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Nói về phương pháp chăn nuôi, ông Lập vẫn chọn cách chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học, đã giúp mô hình của gia đình giảm chi phí đầu tư đáng kể. Việc ứng dụng đệm lót sinh học còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc cải tiến phương pháp chăn nuôi so với cách làm truyền thống đã giảm thiểu chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận cho gia đình mà vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, ông Lập cũng thực hiện tiêm ngừa đầy đủ các bệnh như: cúm gia cầm, hen gà, bạch lỵ, ký sinh trùng đường máu... Bổ sung các loại vitamin vào thức ăn hàng tuần cũng là giải pháp hiệu quả quản lý tốt dịch bệnh cho đàn gà khi thời tiết thay đổi, qua đó giúp gà tăng sức đề kháng, hạn chế sử dụng kháng sinh.
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi gà Ai Cập, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho người chăn nuôi như mở các khóa tập huấn kỹ thuật, cung cấp giống gà chất lượng và hỗ trợ tài chính đã giúp nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi.
Đây không phải là mô hình mới, nhưng là mô hình tiềm năng để bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Mô hình nuôi gà Ai Cập an toàn sinh học đang chứng minh được hiệu quả kinh tế tốt và mang tính bền vững. Không chỉ giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định, mô hình này còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức, mô hình nuôi gà Ai Cập theo hướng an toàn sinh học là mô hình cần được tiếp tục phát triển và nhân rộng trong tương lai.
Hình ảnh khác của Mô hình nuôi gà Ai Cập
Ảnh: ông Lập đang kiểm tra trứng gà đang ấp
Ảnh: ông Lập đang kiểm tra sức khỏe của gà con giống