28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
Hậu Giang: Diễn đàn trực tuyến “Các biện pháp canh tác và liên kết sản xuất cây mít bền vững”
 430
 20/10/2021
Hình: Các đại biểu kết nối tham dự tại các điểm cầu

Hình: Các đại biểu kết nối tham dự tại các điểm cầu

Nhằm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật mới cho nông dân trong chăm sóc và phòng trị bệnh hiệu quả trên cây mít, đồng thời tìm ra giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất nâng cao giá trị cây mít bền vững trong thời gian tới để bà con nông dân yên tâm sản xuất, năng cao thu nhập. Ngày 15/10/2021 Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức diễn đàn trực tuyến “Các biện pháp canh tác và liên kết sản xuất cây mít bền vững”.

Tham dự và chủ tọa diễn đàn có ông Võ Xuân Tân – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp, PGS.TS Lê Văn Bé – Giảng viên Khoa Nông nghiệp và SHUD, trường Đại học cần Thơ, đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, HTX trái cây sinh học OCOP cùng sự tham dự của 70 nông dân trồng mít kết nối trực tuyến tại 3 điểm cầu huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy.

Tại diễn đàn đã thông qua 3 báo cáo tham luận về thực trạng sản xuất và tình hình liên kết tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị cây mít trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; tham luận về giải pháp liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị cây mít; tham luận về giải pháp chăm sóc và phòng trị bệnh trên cây mít Thái siêu sớm.

Trao đổi tại diễn đàn, đại biểu từ các điểm cầu cũng đã nêu lên những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ mít. Ban chủ tọa đã giải đáp những thắc mắc bà con gặp phải trong quá trình tỉa trái, bón phân, phun thuốc để cây mít đạt năng suất cao và hạn chế hiện tượng móp trái, sơ đen, biện pháp điều tiết nước để vườn mít phát triển tốt trong mùa mưa… Bên cạnh đó các đại biểu cũng được nghe ông Trần Bá Sơn – Giám đốc HTX trái cây sinh học OCOP chia sẻ những thông tin về thị trường tiêu thị trái mít và những điều kiện, tiêu chuẩn để đưa trái mít Việt Nam ra thị trường thế giới.

Cây mít đã được tỉnh Hậu Giang lựa chọn là một trong số các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Bởi những giá trị từ cây mít mang lại nguồn thu nhập rất đáng kể cho nông dân những năm qua. Do đó, diện tích trồng mít không ngừng gia tăng qua các năm. Theo số liệu của Ngành nông nghiệp thì diện tích trồng mít của tỉnh năm 2020 trên 6.500 ha và dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 10.000ha (trong tổng số diện tích cây ăn trái của tỉnh khoảng 30.000ha).

Để phát triển cây mít theo hướng bền vững, năng suất, chất lượng cao gắn với liên kết đầu ra cho sản phẩm và giảm chi phí trong sản xuất thì việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu là việc cấp thiết trong tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay. Hằng năm Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp cũng đã tổ chức nhiều cuộc diễn đàn, tập huấn về các loại cây con chủ lực của tỉnh và trong đó có cây mít theo hướng an toàn gắn liên kết chuỗi. Dự kiến năm 2022 Trung tâm và DVNN tỉnh Hậu Giang sẽ xây dựng “Mô hình trồng mít theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm” với quy mô 20ha nhằm nâng cao giá trị trái mít, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người trồng mít.

Một số hình ảnh tại diễn đàn:

Lê Thị Như Xuân
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc