23/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong nước
Diễn đàn KN@NN: Biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn
 983
 19/04/2019
Ảnh. Tham quan mô hình sx lúa bền vững ứng dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm tại HTX Mỹ Hương

Ảnh. Tham quan mô hình sx lúa bền vững ứng dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm tại HTX Mỹ Hương

Trong 02 ngày, 4 và 5/4/2019, tại thành phố Sóc trăng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: Biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn.

Ông Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cùng với lãnh đạo Cục Trồng trọt và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có 252 đại biểu, trong đó có 190 nông dân từ 08 tỉnh: Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tiền Giang và Sóc Trăng.

Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích trên 1,8 triệu hécta đất lúa, chiếm gần 50% tổng diện tích đất lúa cả nước, sản lượng hàng năm khoảng 25 triệu tấn, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu. Sản xuất lúa là một trong những lợi thế chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh mặt hàng thủy sản và trái cây. Tuy nhiên, những năm gần đây, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây nên hạn hán, xâm nhập mặn vào đất lúa. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn ngày càng trở nên phức tạp hơn, xâm nhập mặn có xu hướng đến sớm hơn từ 1 - 1,5 tháng so với trước đây và có thể kéo dài hơn. Hiện, mức độ xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã vào sâu hàng chục km với độ mặn từ 1 - 3‰, có nơi lên đến 5 - 6‰ và dự báo sẽ còn tăng cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến lúa Đông Xuân cuối vụ và đặc biệt là lúa Hè Thu vụ tới.

Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra, tại diễn đàn, các diễn giả, nhà khoa học của các viện, trường, nhà quản lý nông nghiệp đã đưa ra một số giải pháp như: Cần xác định cơ cấu mùa vụ lúa phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long; khuyến cáo đến nhà nông một số biện pháp kỹ thuật canh tác cho sản xuất lúa thích ứng với vùng đất nhiễm mặn; chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu sản xuất có hiệu quả vùng nguy cơ xâm nhập mặn, kết quả thực hiện các mô hình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu ở một số địa phương như Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng…

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề sử dụng các giống lúa chịu mặn; cách canh tác lúa bền vững trước thực trạng hạn hán xâm nhập mặn; cơ chế chính sách đảm bảo người sản xuất lúa có lợi nhuận tốt nhất; vấn đề tiêu thụ lúa sau thu hoạch; cách gieo sạ giảm lượng giống vẫn đảm bảo lúa đạt năng suất cao…

Tại Diễn đàn đã nhận 20 câu hỏi thảo luận từ các đại biểu tham dự và được các chuyên gia, ban cố vấn trả lời. Nhiều vấn đề tập trung vào chủ đề diễn đàn đã được giải đáp thỏa đáng, giúp nhà nông yên tâm hơn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác cao, kỹ thuật chăm sóc lúa đặc sản, lúa hữu cơ, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.

Trong khuôn khổ diễn đàn, trước đó vào chiều ngày 4/4, các  đại biểu đã đến tham quan mô sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” áp dụng cấy bằng máy của HTX nông sản Mỹ Hương tại xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú liên kết với công ty giống Cây trồng TW và DNTN Thảo Nguyên.

Để ứng phó với xâm nhập mặn xảy ra gay gắt ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đã tổng kết một số giải pháp được thống nhất tại diễn đàn như sau:

- Giải pháp về canh tác lúa:

+ Khuyến cáo ứng dụng giống lúa có tính chống chịu mặn cao, thời gian sinh trưởng phù hợp, chất lượng năng suất đáp ứng các mục tiêu theo từng vùng cụ thể.

+ Bố trí thời vụ sản xuất lúa thích hợp để né tránh thời gian hạn mặn xảy ra, thời điểm gieo sạ khuyến cáo cho từng vùng theo chỉ đạo của Cục Trồng trọt, song nhìn chung theo hướng gieo sạ sớm hơn ở vụ Đông Xuân để hạn chế tác động hạn mặn cuối vụ và thời vụ lúa Hè Thu sẽ muộn lại để nằm vào thời gian có mưa, hạn chế tác hại của hạn mặn đầu vụ.

+ Sản xuất lúa theo hướng giảm chi phí sản xuất, trước hết giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và áp dụng các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh phù hợp.

+ Tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ để tạo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, nền tảng là hình thành và phát triển các HTX kiểu mới trong sản xuất lúa.

- Giải pháp về thủy lợi:

+ Tăng cường cơ sở hạ tầng thủy lợi để chủ động tưới tiêu, đặc biệt chủ động trong ngăn chặn mặn xâm nhập như: cống ngăn mặn, công trình tích trữ nước, công trình điều tiết nước...

+ Tăng cường tích trữ nguồn nước trong các sông, hồ, ao và kênh rạch nội đồng, đặc biệt chú trọng tích trữ nước cuối vụ.

- Giải pháp về thủy nông:

Bố trí công thức luân canh cây trồng, chuyển đổi cây trồng, chuyên đổi đất lúa để né tránh tình trạng hạn mặn theo hướng chủ động thích ứng như: sử dụng vùng hạn mặn cho nuôi trồng thủy sản, chuyển dịch mùa vụ theo hướng thích nghi với tình trạng hạn mặn trong phạm vi cho phép.

Bên cạnh những giải pháp trên, các địa phương cần chủ động, sẵn sàng phương án xử lý khi xảy ra hạn mặn khắc nghiệt gây thiệt hại cho sản xuất lúa. Đề nghị trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục tư vấn, giải đáp cho người sản xuất những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thích ứng với hạn mặn. Các viện nghiên cứu, đặc biệt là Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp, hiệu quả giảm tác hại của hạn mặn.

 

Ngô Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc