29/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Huyện Long Mỹ: Kế hoạch sản xuất rau màu ngắn ngày phục vụ trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
 656
 26/07/2021
Mô hình trồng các loại rau màu ngắn ngày

Mô hình trồng các loại rau màu ngắn ngày

Thực hiện Công văn số 1231/SNNPTNT-VP ngày 19/7/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, để đảm nông sản phục vụ nhân dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Ngày 21/7/2021 Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 525/KH-PNNPTNT về sản xuất rau màu ngắn ngày phục vụ đời sống nhân dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Huyện Long Mỹ. Cụ thể:

Tập trung xuống giống ở các vùng sản xuất rau màu chuyên canh, tận dụng các diện tích đất trống xung quanh nhà để sản xuất rau củ quả, cây ngắn ngày. Dự kiến diện tích: 110 ha, ước năng suất: 25 tấn/ha, sản lượng 2.750 tấn.

   Một số biện pháp cần tập trung thực hiện:

1. Chọn các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 20-40 ngày), sớm cho thu hoạch. Ưu tiên các loại rau màu như: rau muống, cải các loại, mồng tơi,…

2. Tiếp tục duy trì các diện tích sản xuất rau ăn lá lưu gốc như hẹ, rau má,… trên địa bàn các xã, thị trấn.

3. Thời điểm xuống giống: tranh thủ xuống giống để có thể cung ứng nông sản sớm nhất có thể. Tập trung xuống giống từ nay đến ngày 31/7/2021.

4. Chuẩn bị đất: do bắt đầu vào mùa mưa nên cần lên líp cao ráo, thông thoáng để đảm bảo thoát nước kịp thời sau mưa. Vệ sinh đồng ruộng thu gom tiêu hủy tàn dư thực vật, cày ải cho đất tơi xốp. Xử lý vôi với liều lượng: 0,3-0,5 tấn/ha để hạ phèn và tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất (nên sử dụng vôi đá).

5. Bờ bao: cần xây dựng hệ thống bờ bao chắc chắn để bảo vệ rau màu khi mưa to hoặc co nước lũ dâng cao.

6. Sử dụng màng phủ nông nghiệp: giúp hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết trong giai đoạn mưa dầm, tạo môi trường thích hợp cho cây sinh trưởng khỏe, hạn chế bốc thoát phân bón, sâu bệnh và tăng năng suất. Nên chọn mua loại màng phủ có 2 mặt, phủ mặt đen xuống phía dưới, mặt tráng bạc lên trên vừa có tác dụng phản xạ ánh sáng để xua đuổi côn trùng và bức xạ nhiệt giữ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho đất và cây trồng.

7. Chăm sóc: thường xuyên cắt bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, các cành, nhánh vô hiệu nhằm tạo độ thông thoáng trên mặt liếp, làm giảm độ ẩm, góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu bệnh.

           Bón lót: sử dụng phân NPK 16-16-8 với liều lượng 300-400 kg/ha kết hợp với phân hữu cơ vi sinh (10-15 tấn/ha). Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm phân lân nung chảy, phân có chứa Canxi, Silic để bón lót giúp tăng cường khả năng chống chịu của cây đối với các điều kiện bất lợi.

            Bón thúc: nên bón cân đối đạm, lân và kali, hạn chế bón thừa phân đạm làm cho cành lá sum suê, mềm yếu rất dễ bị sâu bênh tấn công và ảnh hưởng do mưa bão.

        8 .Cỏ dại: vào mùa mưa cỏ phát triển rất nhanh vì vậy cần làm cỏ thường xuyên để hạn chế đến mức tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với cây trồng đồng thời loại bỏ được nơi trú ngụ, ẩn nấp và nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại cho rau màu.

        9. Chống ngập úng: là cây trồng cạn, các loại rau màu thường không chịu được ngập úng do đó cần điều chỉnh mực nước trong mương, rãnh cho hợp lý, nhất là sau khi mưa to cần khơi thông mương rãnh để thoát nước nhanh, không để ngập nước dễ gây thối rễ, chết cây và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh, phát triển.

        10. Quản lý sinh vật gây hại: thường xuyên theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có các biện pháp phòng trị kịp thời. Đặc biệt chú ý các đối tượng như: bệnh thán thư, sương mai, nứt thân chảy mủ, chết héo cây con,...

Nguyễn Thị Nhãn
VCKT Trạm KN huyện Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc