Hiệu quả từ mô hình trồng sen trên đất lúa tại xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.
SNNHG - Xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ là một xã thuần nông, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi.
Cùng với cây lúa, những năm qua, nông dân trên địa bàn xã chủ động tìm kiếm các loại cây trồng có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, vừa mang lại thu nhập cao hơn, cải thiện đời sống gia đình. Trong đó, mô hình trồng sen lấy hạt, lấy ngó kết hợp với nuôi cá trên những diện tích đất trũng, đất làm lúa kém hiệu quả, đất không làm lúa vụ 3 mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân trong mùa nước nổi.
Sen dễ trồng, dễ sống, lại phù hợp với vùng đất trũng nước, ít bệnh, nhẹ công chăm sóc. Sen có hàm lượng dinh dưỡng cao, các bộ phận gồm: lá, bông, hạt, củ, ngó đều là những bộ phận chế biến thực phẩm có giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây sen không những mang lại giá trị kinh tế mà còn mang lại vẻ đẹp cảnh quan. Nắm bắt được giá trị của cây sen vào năm 2022 ông Nguyễn Văn Thơm ở ấp 6, xã Long Trị A và một số hộ nông dân trong ấp đã mạnh dạn thay đổi tư duy chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những đất ruộng trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng sen hồng với diện tích 5 ha. Sau một thời gian thực hiện, mô hình trồng sen trên đất lúa đã phát huy nhiều ưu điểm nổi bật, như: đầu tư vốn ít, dễ thích nghi với vùng đất ruộng thấp, ít bị sâu bệnh, đầu ra ổn định, trồng một lần thu hoạch được nhiều vụ, lợi nhuận thu về khá cao, giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tăng thêm thu nhập.
Tuy dễ trồng, nhưng cây sen là loại cây không hoàn toàn “dễ tính”. Để có được một vụ sen bội thu cho hoa đẹp, nhiều hạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì người trồng sen phải nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại cho sen. Người trồng cần đảm bảo môi trường nước trong ao vừa phải, đủ để lá sen nổi lên mặt nước. Mật độ trồng cây cách cây 1,5-2m, hàng cách hàng 2 - 2,5m, trồng mật độ thưa sẽ giúp kéo dài thời gian sinh trưởng.
Thời gian mới trồng cần khống chế mực nước trong ruộng từ 20-25cm, giúp cây mau bén rễ. Sau đó, cho mực nước tăng dần lên theo sự sinh trưởng của cây. Trồng theo phương pháp này, sen sẽ đẻ nhánh nhanh. Sen trồng khoảng 3 tháng là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 3-4 tháng. Sau khi hết đợt thu hoạch, tiếp tục bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật nuôi dưỡng, phục hồi lại cây sen, khoảng 1-2 tháng sau là có thể thu hoạch tiếp. Trồng sen đầu tư vốn ít nhưng mang lại thu nhập khá, đầu ra thuận lợi, có thể bán tại chợ hoặc bán gương sen cho các thương lái thu mua. Thời điểm này, bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch sen vụ thứ hai trong năm. Theo đánh giá của bà con trồng sen nơi đây, so với trồng lúa thì trồng sen thu lãi cao hơn gấp 2-4 lần, bởi với 01 công lúa thì mỗi vụ lúa chỉ thu hoạch khoảng 500-600kg lúa/công, giá lúa bình quân 7.300 đồng/kg thì thu về từ 3,5-4,5 triệu đồng/công, trừ đi chi phí lợi nhuận của làm lúa bình quân 1-2 triệu/công. Nhưng với 01 công sen thì bình quân thu hoạch được 500kg-700kg gương sen, 100-200kg ngó sen, giá gương sen tươi nguyên vỏ tại ruộng hiện nay 20.000 đồng/kg, giá ngó sen với giá 30.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân một công sen thu được 14-16 triệu đồng; nếu trừ đi chi phí và công chăm sóc, công thu hoạch thì lãi tầm 10-12 triệu đồng/công.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Long Trị A đã mạnh dạn chuyển đổi phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen lấy gương hạt, lấy ngó, kết hợp với nuôi cá. Đến nay, đã có hơn 18 hộ chuyển sang trồng sen với tổng diện tích 20 ha. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp với nuôi cá mùa nước nổi là hướng đi mới, nhằm khai thác tốt tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập và làm đẹp cảnh quan làng quê nông thôn.
Tuy nhiên, việc mở rộng vùng sản xuất cần phải có quy hoạch, tránh tình trạng sản xuất mang tính tự phát. Những vùng phù hợp để phát triển cây sen, khi đưa vào sản xuất cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật, diện tích, nhân lực, công tác đào tạo, tập huấn cho người nông dân. Uỷ ban nhân dân thị xã, phòng kinh tế các ngành chuyên môn thị xã có định hướng, chủ trương, giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, có thị trường đầu ra ổn định giúp người dân an tâm đầu tư sản xuất./.