24/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kỹ thuật canh tác cây Cà na Thái
 3948
 08/07/2022
Cây Cà na Thái đang ra bông

Cây Cà na Thái đang ra bông

Trước kia Cây Cà Na được trồng hoang dại, nhưng vài năm trở lại đây giống cây này được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế, chúng được các nhà vườn trồng trong vườn để phát triển kinh tế. Kỹ thuật trồng cây Cà Na Thái đơn giản, cách chăm sóc không tốn nhiều công sức lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

I. Chọn giống: 

Cần lựa chọn vườn ươm uy tín để mua cây giống. Tại đây, chúng ta sẽ được đảm bảo về chất lượng cây giống cũng như chi phí hợp lý nhất.

Có 02 loại giống: (Tùy theo sở thích có thể chọn 1 trong 02 giống để trồng)

   - Cà na tứ quý cho năng suất từ 80-100trái/kg.

   - Cà na thái trái to (cà na Malaysia) cho năng suất tương đương 50trái/kg.

Cây giống trồng:

   - Nhánh bầu (cây củ tỏi): đối với phương pháp này thì tiết kiệm chi phí nhưng tỉ lệ hao hụt rất cao. Để hạn chế hao hụt, chúng ta nên cắt tỉa bớt lá trước khi trồng (cắt tỉa bớt khoảng 50% số lá trên cây), đồng thời cắt đi những đọt non chừa lại lá già và đọt già. Nếu để đọt non thì cây sẽ tăng khả năng quang hợp gây nhanh mất nước, quá trình quang hợp của cây hút nhiều nước nhưng do mới trồng rễ chưa hút nước tốt vì vậy không cung cấp đủ nước cho cây quang hợp dẫn đến cây dễ bị chết.

   - Trồng cây bầu đã ra rễ sẵn, đối với cây này khi mang cây về trồng thì tỉ lệ sống cao tuy nhiên chi phí mua cây đắt.

Lưu ý: khi mới trồng chúng ta không nên trồng thấp hơn mực nước, bởi vì cây cà nà tuy là cây chịu nước nhưng khi mới trồng, nếu trồng xuống nước cây sẽ chết, hoặc trồng sát gần mé nước quá cây cũng sẽ kém phát triển. Tốt nhất trồng cách mặt nước khoảng 30cm và tưới ẩm thường xuyên thì cây sẽ phát triển tốt. Sau khi trồng xong, nên cắm cọc để cố định cây tránh gió lắc làm động cây dẫn đến đứt rễ non mới ra sẽ gây hao hụt cây.

II. Kỹ thuật trồng: 

Giống cây này không khó trồng, nhưng cần phải trồng đúng mật độ và khoảng cách, không nên trồng quá dày hoặc quá thưa. Cây ưa ẩm nên cần được trồng ở những nơi có gần nguồn nước để giúp cây cho năng suất trái cao.

1. Hướng trồng: tùy theo điều kiện địa hình đất mà ta bố trí các hướng như: đông sang tây hoặc bắc nam. Bố trí đông sang tây là tốt nhất vì khi bố trí trồng theo hướng này thì mặt trời luôn chiếu sáng, cây nhận được nhiều ánh sáng hơn. Cây sẽ phát triển tốt hơn và ít sâu bệnh, cho năng suất tốt hơn.

2. Cách trồng: đất gò cao không cần lên líp, chỉ cần vun mô để trồng; đối với vùng đất trũng thì cần nên lên líp.

3. Khoảng cách trồng: có thể trồng với khoảng cách 4mx4m (khoảng 62cây/1000m2) hoặc 5x5 (khoảng 40cây/1000m2). Khoảng cách trống giữa các hàng có thể tận dụng trồng rau màu nhằm lấy ngắn nuôi dài. Nếu trồng bán cây giống thì có thể trồng dày hơn, ví dụ 3mx3m hoặc dày hơn, sau 01 năm thì có thể tỉa 1 cây ở giữa để bầu giống bán.

Chú ý: trong tháng đầu cần thường xuyên tưới để duy trì độ ẩm cho cây và đất.

III. Kỹ thuật chăm sóc: 

Cây Cà Na Thái tuy là giống cây trồng hoang dã có sức sống cao nhưng nếu không chăm sóc tốt thì cây cũng dễ bị bệnh và kém năng suất, chất lượng trái không ngon. Vì thế, chúng ta cần chăm sóc định kỳ và chú ý bón phân cho cây theo từng giai đoạn trước và sau khi thu hoạch để cây cho trái to và nhanh phục hồi.

1. Tưới nước: 

Thời kỳ cây còn nhỏ cần tưới nước quanh năm nhằm cung cấp đủ nước cho các đợt chồi non hình thành và phát triển.

Trong tháng đầu sau khi trồng cây giống, cần thường xuyên tưới nước từ 3-4 ngày/lần để duy trì độ ẩm cho đất và cung cấp đủ nước cho cây phát triển tốt, mau chóng ra rễ. Càng về sau, số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc.

Có thể dùng rơm rác mục, cỏ khô tủ lại xung quanh gốc; tủ dưới phần tán cây có bán kính 0,8-1m, và để trống phần diện tích cách gốc 20cm để hạn chế côn trùng, sâu bọ làm tổ, phá hoại gốc.

Cây Cà Na Thái chịu hạn khá tốt, tuy nhiên, ở giai đoạn cây đang lớn, giai đoạn ra hoa, trái và giai đoạn sắp thu hoạch cần cung cấp đủ nước cho cây. 

2. Quản lý cỏ dại: 

Bạn cần tiến hành thường xuyên, tùy theo đặc điểm của từng vùng ta có cách thức xử lý cỏ phù hợp khác nhau, phơi khô cỏ sau đó tủ lại xung quanh gốc cây.

Phủ gốc cây bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.

3. Kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán:

Cắt tỉa cây sẽ tạo ra các chồi mới sinh trưởng mạnh và có nhiều khả năng để các cành mới này cho hoa trái, giúp giữ được sản lượng ổn định hằng năm. Cắt tỉa cây giúp ánh sáng truyền vào tán cây nhiều hơn, qua đó giúp cải thiện về chất lượng, màu sắc và kích thước trái.

Kĩ thuật tỉa cành tạo tán

– Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: Trên một cây chỉ để từ 3- 4 cành chính (cành cấp 1) phân bố đều ra các hướng làm khung cho các cành cấp 2 phát triển về sau. Cắt tỉa phụ thuộc vào tình trạng sinh trưởng cụ thể của từng loại cây, nhưng nói chung nên cắt các cành cong queo, cành nhỏ yếu, cành ở nơi quá dày… để tạo độ thông thoáng trong tán lá.

– Giai đoạn sau thu hoạch: Cắt tỉa các chồi, cành mang trái phía ngoài tán, cành bị bẻ gảy, cành yếu vươn ra xa tán, cành bị sâu bệnh, cuống trái để thu nhỏ tán cây và giúp cây đâm chồi mới đồng loạt, chồi mạnh mập khoẻ để chuẩn bị cho mùa trái năm sau.

– Các loại cành cần cắt tỉa: Các cành nhỏ mọc thẳng bên trong tán, cành nhỏ không nhận được ánh sáng, cành mọc khít nhau hay mọc chồng khít lên nhau để tăng khoảng cách thích hợp cho các cành giàn. Việc cắt bỏ các cành bị sâu bệnh, cành bị khô héo hay hư hỏng cần tiến hành thường xuyên

Phương pháp cắt tỉa

- Cắt tỉa, tạo tán theo hình chữ Y. Cắt theo hình khai tâm để ánh sáng lọt được vào trong giúp cây ra hoa đậu quả hầu như ở phía trong tán.

– Khi cắt tỉa phải cắt sát vào thân. Sử dụng nước vôi trong quét đều từ gốc lên khoảng 1 – 1,5m. Cây nhỏ hơn quét khoảng 70cm để tránh sâu bệnh hại xâm nhập qua các vết cắt. Để yên tâm hơn thì các vết cắt ở trên cao cũng nên chấm qua nước vôi trong 1 lượt để khử trùng.

- Cắt tỉa vào thời điểm khô ráo. Tránh cắt vào thời điểm có mưa sẽ lây lan bệnh từ cây này sang cây khác qua vết cắt.

4. Kỹ thuật bón phân cho cây cà na thái:

Trồng cây cà na Thái trong thời đầu hãy bón nhiều phân đạm để cây và lá sinh trưởng tốt. Sau đó bón thêm NPK với tỷ lệ 2:1:1. Hãy nhớ Cứ 1-2 tháng bón một lần khi thời tiết mưa ẩm. Mỗi cây bón 0,1- 0,2kg urê + 0,05-0,1kg kali + 0,2-0,5kg supe lân, cách gốc 30-50cm. Phân chuồng bón 30-50kg, cách gốc 50-60cm vào hai hốc đối xứng (đông-tây hoặc nam-bắc)

Qui trình cụ thể:

- Trong tháng đầu tiên sau khi trồng, tuyệt đối không bón phân hóa học ở giai đoạn này, nếu cần chỉ nên bổ sung phân bón lá giúp rễ phát triển tốt như Comcat, Atonik, plasti,… phun 1 tuần 1 lần.

- Sau 1 tháng, cây bắt đầu ra lá non, lúc này chúng ta có thể bắt đầu bón phân hóa học. Phân hóa học chúng ta có thể trộn Ure và DAP, 1 lần bón khoảng 1 nắm (bóp chặt) bón cho 02 gốc, bón 1 lần/tháng. Khi bón cần rải đều xung quang gốc, không nên bón tập trung 1 chỗ hoặc bón sát gốc sẽ gây cháy rễ cây.

- Đến tháng thứ 5, cần bổ sung thêm kali cộng chung với DAP và URE; hoặc có thể sử dụng phân hỗn hợp 20-20-15, 1 gốc có thể bón 2 nắm tay bóp chặc, 1 tháng bón 1 lần. Khi cây phát triển lớn lên, sau 1 năm, chúng ta có thể tăng lượng phân lên, có thể bón 3 đến 4 nắm tay cho 1 gốc, mỗi tháng 01 lần.

Nếu trồng đúng giống, sau 12 tháng cây sẽ tự ra hoa. Đối với cà na thái không nhất thiết phải kích thích ra hoa (cây sẽ ra tự nhiên); việc ra hoa sớm hay muộn tùy và chất lượng nhánh chiết ban đầu và điều kiện chăm sóc khi trồng. Nếu chiết nhánh già ở cây trưởng thành thì khi trồng sẽ mau ra hoa. Chăm sóc cây quá tốt cây cũng chậm ra hoa hoặc ra hoa số lượng ít.

Khi hoa sắp nở, tiến hành phun phân bón lá có chứa Bo từ 2 đến 3 lần cách nhau khoảng 7 đến 10 ngày (1 số sản phẩm có thể sử dụng: Canxi Bo, Silic Bo,…nhằm mục đích chống rụng trái non). Giai đoạn hoa nở tuyệt đối không được bón phân hóa học, nếu bón giai đoạn này sẽ làm cây phát đọt, phát triển lá dẫn đến dễ rụng trái non. Giai đoạn này cũng có nhiều côn trùng có lợi như ong, ruồi,…đến hút mật giúp hoa thụ phấn, nhưng tác hại là sau khi côn trùng hút mật sẽ tiết ra chất dịch mật đường dính trên lá và bông, điều này tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá và bông, cũng sẽ dẫn đến rụng trái non. Giai đoạn này nên tập trung phun thuốc trị bệnh thán thư và thuốc trị nấm bồ hóng giúp hoa và lá sạch, tăng khả năng đậu trái

Khi thấy trái đã đậu, có kích thước khoảng bằng đầu đũa ăn và nhìn thấy hoa đã nở hết thì có thể bón phân và tưới nước để thúc trái lớn lên. Lưu ý: để đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng thì nên ngưng bón phân hóa học – ít nhất là 3 tuần trước khi thu hoạch

Tại sao chúng ta cần ngưng bón phân hóa học ít nhất 3 tuần trước khi thu hoạch?

Vì nếu bón phân hóa học vào sát thời gian thu hoạch thì lượng Nitrate sẽ lưu tồn trong trái, chất này là chất gây đột biến tế bào sau khi vào cơ thể chúng ta, dấn đến ung thư; vì vậy bà con nên cố gắng ngưng bón phân trước thu hoạch ít nhất 3 tuần.

Đồng thời cũng cần tuân thủ thời gian cách lý đối với thuốc BVTV tùy theo loại thuốc (trên bao bì thuốc có hường dẫn thời gian cách ly 7 đến 14 ngày tùy theo loại thuốc). Nếu làm tốt 02 vấn đề này sẽ góp phần làm cho sản phẩm chúng ta an toàn hơn, góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

IV. Quản lý sâu bệnh:

1. Bệnh:

Đối với cà na thì chủ yếu là bệnh nấm bồ hóng gây hại ở giai đoạn cây đang trổ hoa làm cho lá và hoa bị đen dẫn đến rụng hoa và rụng trái non. Giai đoạn này nên thường xuyên chú ý chăm sóc, nếu bệnh nhiều thì phun thuốc trị nấm giúp lá và hoa phát triển.

Bệnh nứt trái: Vào mùa mưa – mưa nhiều dẫn đến dư thừa nước, cà na thái hay bị nứt trái nên phẩm chất trái sau thu hoạch rất xấu, có thể không bán được. Ngoài ra còn 1 nguyên nhân gây nứt trái là do cây bị thiếu calci, Bo do cây cho trái quanh năm vì vậy cây thường xuyên thiếu hụt calci và Bo. Để hạn chế tình trạng nứt trái thì cần phun các loại thuốc bổ sụng calci và Bo (có thể sử dụng Antracol và Bortrac)

2. Sâu hại:

Lúc mới trồng sẽ có bọ cánh cứng gây hại. bọ cánh cứng sẽ ăn lá làm cho lá lủng lổ, bọ cánh cứng xuất hiện và gây hại chủ yếu vào ban đêm và gây hại rất nhiều, thời gian gây hại từ 7 đến 9 giờ tối, ban ngày sẽ không nhìn thấy chúng; nếu cần phun bọ cánh cứng, nên phun vào ban đêm, từ khoảng 6 đến 7 giờ tối bắt đầu phun. Bọ cánh cứng không chỉ gây hại trên cà na mà còn gây hại trên nhiều đối tượng cây trồng khác như: sầu riêng, vú sữa,…

Đối tượng thứ 2 là sâu nái ăn lá, sâu có màu xanh, có hình oval, khi chúng ta chạm phải sâu nái thì rất ngứa. Sâu nhỏ sẽ cạp biểu bì của lá, sau khi lớn sẽ ăn hết phần lá làm cho lá lủng lổ.

Sâu cuốn lá: khi thấy lá non xuất hiện bị cuốn tròn lại, đó là do sâu cuốn lá gây ra.

Nhện đỏ: quan sát trên lá có 1 lớp phấn và mặt lá chuyển màu thành màu nâu; đó là triệu chứng do nhện đỏ gây hại làm cho lá cà na chuyển sang màu hơi nâu. Nhện đỏ xuất hiện nhiều vào giai đoạn ra hoa

Rệp sáp: (đối tượng đặc biệt) tấn công cả thân và lá của cây làm cho lá bị đen, dẫn đến cây giảm khả năng quang hợp (cây chủ yếu quang hợp) làm cây phát triển kém.

 

Nguyễn Trung Thành
Trạm Khuyến nông Thành phố Vị Thanh

Ý kiến bạn đọc