28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Vị Thủy: Niềm vui thu hoạch cá ruộng của bà con trên địa bàn xã Vĩnh Trung
 599
 11/01/2021
Ảnh: Bà con thu hoạch cá ruộng với niềm vui trúng mùa được giá

Ảnh: Bà con thu hoạch cá ruộng với niềm vui trúng mùa được giá

Những ngày cuối tháng 12/2020 vừa qua, trên các cánh đồng ở khu vực ấp 2, ấp 3 và ấp 4 trên địa bàn xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy rộn ràng hẳn lên bởi người dân thu hoạch cá ruộng với niềm vui trúng mùa được giá.

Vĩnh Trung là một xã thuần nông với diện tích đất nông nghiệp là 2.992,62ha. Trong đó, canh tác lúa đóng vai trò chủ lực với diện tích 2.674,95ha. Tuy nhiên, do địa hình ở một số khu vực trũng thấp (ấp 2, ấp 3 và ấp 4), nhiều diện tích không thể sản xuất lúa ở vụ 3 nên mô hình nuôi cá ruộng đã phát triển tại đây trong nhiều năm qua.

So với năm 2019 thì năm nay mô hình nuôi cá ruộng trên địa bàn xã Vĩnh Trung phát triển hơn với diện tích 47,95 ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là: cá chép, mè hoa, trê vàng, cá lóc,... Do chuẩn bị xuống giống vụ Đông xuân 2020-2021 nên hầu hết các diện tích nuôi cá ruộng đều đã thu hoạch hoặc đưa vào mương chứa. Năng suất bình quân hơn 1,5 tấn/ha. Giá bán cá mè hoa từ 9.000-10.000 đồng/kg, cá chép 15.000 đồng/kg, cá trê vàng 50.000-60.000 đồng/kg,...cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí bà con thu được lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất lúa vụ 3.

Một nông dân nuôi cá ruộng nhiều năm tại ấp 3 - Ông Lê Dũng phấn khởi cho biết: “Năm nay, do nước dâng cao nên cá lớn nhanh, nông dân trúng mùa lại bán được giá cao nên đem lại nguồn thu nhập khá. Với diện tích 01 ha nuôi cá chép, mè hoa và trê vàng,... gia đình tôi thu hoạch được hơn 1,6 tấn cá các loại, sau khi trừ đi tất cả chi phí thu được lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng”.

 Ông Lê Văn Hết – nông dân nuôi cá ruộng tại ấp 2 chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng làm lúa vụ 3, nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu nên thất thoát nhiều, năng suất thấp, thậm chí có vụ lỗ vốn. Từ khi bắt đầu nuôi cá ruộng, gia đình tôi có thu nhập khá hơn. Bên cạnh đó, tôi có nhiều thời gian hơn để làm công việc khác kiếm thêm thu nhập, vì nuôi cá trên ruộng không đòi hỏi nhọc công chăm sóc hay tốn kém chi phí thức ăn”.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, để tránh tình trạng “đụng hàng dội chợ” khi thu hoạch rộ, năm nay, khi thấy cá đạt kích cỡ trưởng thành, bà con đã thu hoạch dần dần đến cuối vụ, hạn chế được tình trạng bị thương lái ép giá. Hơn nữa, khi tới thời điểm thu hoạch rộ nhiều người còn linh động trữ cá trong mương để tiếp tục nuôi chờ giá lên.

Để mô hình nuôi cá ruộng đạt kết quả cao bà con cần có mối liên kết và hình thành vùng nuôi rộng lớn để thuận lợi trong quá trình nuôi, cũng như trông coi vùng nuôi, tránh thất thoát khi đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập bà con nên lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường để đảm bảo đầu ra ổn định, giá bán cao hơn.

Việc nuôi cá trên ruộng lúa đem lại rất nhiều lợi ích: Thứ nhất, bà con có thêm thu nhập; Thứ hai, hạn chế được rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết so với sản xuất lúa; Thứ ba, giải quyết được vấn đề độc canh cây lúa làm cho đất ngày càng suy thoái, hạn chế được sâu bệnh và giảm chi phí phân bón ở vụ lúa tiếp theo do đất được bổ sung lượng dinh dưỡng từ phân cá, rơm rạ phân hủy,... Vì vậy, nuôi cá ruộng được xem là một giải pháp giúp người nông dân tăng thu nhập hiệu quả và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.

 

Ảnh: Bà con thu hoạch cá ruộng với niềm vui trúng mùa được giá

Phạm Thị Kiều My
VCKT xã Vĩnh Trung

Ý kiến bạn đọc