28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Long Mỹ: Hiệu quả nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn từ lớp FFS
 581
 27/05/2020
Bế giảng lớp tập huấn FFS “Kỹ thuật nuôi lươn không bùn năm 2019”.

Bế giảng lớp tập huấn FFS “Kỹ thuật nuôi lươn không bùn năm 2019”.

Để hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật mới đến người dân trạm Khuyến nông phối hợp với Phòng Đào tạo-huấn luyện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang mở lớp FFS kỹ thuật nuôi lươn không bùn.

Trong các mô hình đã triển khai, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn theo hướng an toàn thực phẩm đạt hiệu quả thiết thực, đặc biệt tại huyện Long Mỹ, nông dân không những duy trì mô hình mà còn mở rộng quy mô nuôi. 

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ đã triển khai tập huấn 01 lớp FFS “Kỹ thuật nuôi lươn không bùn” xây dựng mô hình nhà ông Phan Văn Đáng, ấp 10 xã, Vĩnh Viễn A.

 Mô hình nuôi được 2.000 con lươn giống (Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình 1.000, ông Đáng thả thêm 1.000 con). Lươn giống mô hình là con giống được sinh sản bán nhân tạo, đồng cỡ, mẫu từ 500 – 600 con/kg (tương đương 10 - 12 cm/con). Hộ dân được viên chức Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi, thực hiện ghi chép nhật ký nuôi để làm cơ sở hạch toán kinh tế và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Qua thực hiện, mô hình thể hiện nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống: Chi phí thấp hơn, việc quản lý, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của lươn thuận tiện hơn, môi trường nuôi tốt hơn, bệnh hại lươn ít phát sinh. Từ đó, góp phần đảm bảo tỷ lệ sống của lươn.

Hiện lươn mô hình lớp FFS nuôi được 11 tháng thì ông Đáng cho thu hoạch lươn tỷ lệ sống đạt 70%, trọng lượng trung bình 200g/con. Chất lượng lươn đạt an toàn, không có kháng sinh. Với giá bán 180 nghìn đồng/kg ông Đáng thu về 50,4 triệu đồng, trừ vốn đầu tư (con giống, thức ăn công nghiệp, điện nước, công chăm sóc...) 22 triệu đồng, hộ thực hiện mô hình có lợi nhuận 28,4 triệu đồng.

Hình: Thu hoạch lươn mô hình FFS “Kỹ thuật nuôi lươn không bùn”.

Với hiệu quả đạt được, ông Đáng đã xây thêm 2 bể, mở rộng quy mô nuôi. Đặc biệt là các học viên được tập huấn trong lớp FFS: “Kỹ thuật nuôi lươn không bùn” càng mạnh dạn đầu tư nuôi vì các học viên qua lớp tập huấn đã nắm những kỹ thuật cơ bản cũng như theo thực hành mô hình trong suốt quá trình học, theo thống kê lớp học số học viên đầu tư bể, bắt lươn giống về nuôi là 16/20 học viên. Đây cũng chính là thành công của lớp tập huấn FFS chuyển giao kỹ thuật mới đến nông dân.

Để các hộ nuôi mới nắm vững kỹ thuật, đồng thời tiến tới thành lập tổ sản xuất nuôi đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế này, Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ sẽ tổ chức các cuộc tập huấn, cũng như đề nghị mở các lớp đào tạo nghề nông thôn nuôi lươn không bùn theo hướng an toàn thực phẩm nhằm giúp người dân địa phương phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hồ Hoàng Tích
Trạm KN huyện Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc