24/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
Vị Thuỷ: Lãnh đạo huyện tiếp đoàn Sở khoa học - công nghệ tỉnh Hậu Giang đến tham quan và khảo sát Hợp tác xã Trầu vàng.
 486
 15/03/2023
Ảnh: đoàn chụp ảnh lưu niệm với HTX Trầu vàng

Ảnh: đoàn chụp ảnh lưu niệm với HTX Trầu vàng

Ngày 13/3/2023, Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo TP HCM đến tham quan và khảo sát tại HTX Trầu vàng, ấp 5 xã Vị Thuỷ.

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Thuỷ, Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thuỷ, Bà Trần Thị Hồng Anh, phó chủ tịch UBND xã Vị Thuỷ và HTX Trầu vàng ấp 5, xã Vị Thuỷ tổ chức tiếp và làm việc với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ, Sở khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang và Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo TP HCM đến tham quan và khảo sát tại HTX Trầu vàng, ấp 5 xã Vị Thuỷ.

Tại buổi làm việc, đoàn được Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Trầu vàng giới thiệu tổng quan về tình hình hoạt động của HTX, cơ cấu tổ chức, những thành tựu đạt được của HTX trong những năm qua. Đặc biệt, đoàn còn được nghe Ông Đời giới thiệu về quy trình sản xuất cây trầu.

Bà Trần Thị Hồng anh, phó chủ tịch UBND xã Vị Thuỷ chia sẽ "Năm 2020 UBND tỉnh Hậu Giang ra quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 công nhận Nghề truyền thống vườn trầu ấp 5 xã Vị Thủy. Đây là niềm phấn khởi lớn của người trồng trầu xã Vị Thuỷ. Những giá trị mà nghề truyền thống trồng trầu mang lại chính là nguồn nội lực lớn giúp địa phương nhanh chóng hoàn thiện, cũng cố và nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM. Xã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là nâng cao thu nhập bình quân của người dân đạt từ 55-60 triệu đồng/năm. Việc phát huy giá trị nghề trồng trầu, sử dụng lực lượng lao động tại chỗ là giải pháp cụ thể giúp địa phương thực hiện mục tiêu này, toàn xã có trên 35.5ha trầu với hơn 200 hộ tham gia trồng, nằm rải rác ở các ấp 4; 5; 6; 7 và 8, những năm gần đây, đầu ra và giá cả thị trường của trầu luôn ổn định, nên cuộc sống của người trồng trầu được cải thiện đáng kể. Trừ các khoản chi phí, tính ra thu nhập từ cây trầu cao gấp ba lần cây lúa. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Xã đang vận động người dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, hoặc đất đang trồng cây màu mà thu nhập không cao chuyển sang trồng trầu. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật trồng trầu cho bà con và kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo mọi điều kiện cho người dân vay vốn để đầu tư trồng trầu”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ, Sở khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, chia sẽ thêm: Thời gian qua Trung tâm đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến cây trầu điển hình là ứng dụng chuyển giao quy trình công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn. Từ đó, sản xuất chế phẩm bảo quản Chitosan và hoàn thiện quy trình bảo quản trên một số loại nông sản chủ lực của tỉnh.

Thành phần chính của chế phẩm gồm Chitosan dạng bột, glycerol, axit acetic 1%. Chế phẩm đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Chitosan được tạo ra từ vỏ các loại động vật giáp xác như tôm, cua,… là phế phẩm của ngành công nghiệp chế biến thủy sản, giúp giảm rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và dễ phân hủy sinh học. Chitosan được pha trộn với dịch chiết từ lá trầu, làm tăng tính kháng khuẩn của dung dịch. Lá trầu được thu mua từ vùng trồng trầu ở xã Vị Thủy, góp phần ổn định đầu ra của lá trầu cho người dân.

Sau khi nghe chia sẻ, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân đặt một số câu hỏi đến HTX để hiểu thêm về: kinh nghiệm thực tế sản xuất cây trầu; giá thành sản xuất, thị trường tiêu thụ; tính nhân rộng của mô hình ra các vùng lân cận,... Đặc biệt là mục đích của Công ty tại cuộc tham quan khảo sát là muốn gắn kết lâu dài với địa phương và HTX Trầu vàng để ký hợp đồng thu mua lá trầu và tạo vùng nguyên liệu cho Công ty. Hiện tại Công ty chiết xuất tinh dầu trầu và phát triển một số sản phẩm từ tinh dầu trầu.

Các câu hỏi được ông Nguyễn Văn Đời chia sẻ và giải đáp cụ thể, ngoài ra ông còn hướng dẫn đoàn tham quan thực tế mô hình trầu đang trồng trong của HTX để đoàn hiểu rõ hơn về quy trình canh tác.

Kết thúc buổi làm việc Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Thuỷ gửi lời cảm ơn đến Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ, Sở khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang và Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo TP HCM đã có chuyến tham quan khảo sát hiệu quả, xác định được vùng nguyên liệu, góp phần ổn định đầu ra nông sản tại huyện.

Về phía xã Vị Thuỷ tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với những kết quả bước đầu đạt được, để Nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển đòi hỏi sự phối hợp tốt Ban, Ngành, Đoàn thể xã và đặc biệt là các hộ dân cùng chung tay triển khai thực hiện có hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Đồng thời, chỉ đạo phối hợp tốt với Phòng nông nghiệp huyện tập trung theo dõi, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, từng bước hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình sản xuất, để nâng cao hiệu quả của mô hình, phối hợp tốt với đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhân rộng mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao để tạo thành vùng sản xuất quy mô lớn hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hình ảnh khác của chuyển thăm mô hình

Ảnh: đoàn tại buổi làm việc

Trần Trí Hiếu - VCKT xã Vị Thủy huyện Vị Thủy

Ý kiến bạn đọc