28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Hậu Giang: Lãnh đạo tỉnh thăm đồng sau Tết Quý Mão 2023
 419
 30/01/2023
ông Trần Văn Huyến (thứ 3 từ trái sang) - Thăm đồng sau Tết Quý Mão 2023 tại huyện Vị Thuỷ

ông Trần Văn Huyến (thứ 3 từ trái sang) - Thăm đồng sau Tết Quý Mão 2023 tại huyện Vị Thuỷ

Ngày 27/01/2023 (Nhằm ngày Mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), Đoàn lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cùng các Ban, ngành chuyên môn tỉnh và các địa phương tổ chức đi thăm đồng thực tế để nắm bắt tình hình sản xuất của nông dân ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Dẫn đoàn có ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng đi với đoàn còn có Trưởng, Phó các ngành chuyên môn tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đoàn đã thăm thực tế diện tích lúa trên địa bàn xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, một xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện. Theo đó, trong vụ Đông Xuân 2022-2023 này huyện Vị Thủy xuống giống được hơn 17 ngàn hecta, hiện trà lúa tại xã Vị Thanh đang trong giai đoạn làm đòng, trổ chín.

Qua quan sát thực tế cho thấy hiện tại trên cách đồng lúa đang xuất hiện một số loại sâu bệnh, sinh vật gây hại ở mức độ nhiễm nhẹ như: Bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, chuột, rầy nâu ở các ruộng sạ dầy, nông dân cũng đã chủ động phun thuốc phòng trừ nên không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Ảnh: Các Sở, Ngành, Địa phương tiếp Đoàn làm việc lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.

Tiếp đến, Đoàn đến thăm mô hình trồng cây ăn trái tại hộ bà Phạm Thị Hằng, ngụ ấp 2 xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Với diện tích khoảng 4 hecta, bà Hằng trồng trên 400 gốc Sầu riêng với các giống: Musang King, Monthong Thái Lan và Ri6. Bà Hằng cho biết: diện tích này trước đây hộ trồng tiêu đen, tuy nhiên nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên hộ quyết định chuyển đổi đối tượng cây trồng để canh tác. Hiện vườn sầu riêng của bà Hằng có độ tuổi dao dộng từ 1 đến 4 năm tuổi và bắt đầu xử lý ra hoa đậu trái vụ đầu tiên, tổng chi phí từ kiến thiết vườn, cây giống, phân thuốc đến nay đã trên 2 tỷ đồng. Với vụ xử lý ra hoa đậu trái đầu tiên này, bà dự kiến tổng thu về trên 3,2 tỷ đồng đem về lợi nhuận sau thu hoạch trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, vườn sầu riêng của bà Hằng sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, không bón một hạt phân vô cơ nào.

Ảnh: bà Phạm Thị Hằng (thứ 2 từ trái sang) đang hướng dẫn Đoàn lãnh đạo tỉnh tham quan vườn sầu riêng.

Phát biểu chỉ đạo, Đoàn lãnh đạo tỉnh yêu cầu các Sở, Ngành chuyên môn xem đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế điểm tại địa phương, cần quan tâm hỗ trợ và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác để phát triển kinh tế hộ, gắn với truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, áp dụng nông nghiệp 4.0 để quản lý mã số vùng trồng, hướng đến nền nông nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới.

Qua chuyến thăm đồng, đoàn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh, có biện phát phòng trừ hiệu quả, đặc biệt cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy

Ý kiến bạn đọc