19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Huyện Châu Thành: Sản xuất trà mãng cầu thủ công tại nhà
 653
 13/08/2020
Ảnh: Trà mãng cầu của cơ sở Cô Bùi Thị Chăm

Ảnh: Trà mãng cầu của cơ sở Cô Bùi Thị Chăm

Cô Bùi Thị Chăm ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã tìm tòi, học hỏi làm ra trà từ trái mãng cầu xiêm trong vườn nhà mình, với hương vị từ bếp củi được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, mô hình này đã và đang được mở rộng.

Ở nước ta, nhắc đến mãng cầu ngay lập tức người ta nghĩ ngay đến mãng cầu xiêm. Mãng cầu xiêm hay còn gọi là mãng cầu gai, trái to, xung quanh có nhiều gai nhỏ. Đây là loại cây ăn trái được nhiều người yêu thích bởi phần thịt có vị chua chua ngọt ngọt mang lại hương vị rất là đặc trưng, dùng để ăn tươi còn có thể chế biến thành nhiều món ăn, thức uống như: sinh tố, kẹo, trà... Đặc biệt, trà mãng cầu được dùng làm thức uống hàng ngày, thanh lộc cơ thể, dùng thường xuyên rất tốt cho sức khỏe.

Bằng sự cần cù, sáng tạo trong sản xuất cô Bùi Thị Chăm ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành đã tìm tòi, học hỏi làm ra trà từ trái mãng cầu xiêm trong vườn nhà mình, với hương vị từ bếp củi được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Gia đình cô Chăm hiện có khoảng 200 gốc mãng cầu đã trên 3 năm tuổi, vào thời điểm thu hoạch rộ mỗi ngày hơn 50kg, giá trung bình từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, như vậy mỗi ngày thu nhập hơn một triệu đồng, chủ yếu bán cho thương lái đến thu mua tại vườn.

Cô Chăm chia sẽ: “Đó là lúc có giá thì không vấn đề gì, còn gặp phải lúc ngay mùa sản lượng nhiều thì thương lái ép giá, lựa những trái không đủ kg bỏ lại nhiều như vậy thì bị ứ hàng, bị lỗ”. Từ đây, cô Chăm nảy sinh ý tưởng làm trà, làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần để gia đình uống. Cuối cùng cô Chăm cũng cho ra trà thành phẩm, thơm ngon cô cho biết cách làm trà cũng khá công phu. Trước hết chọn trái mãng cầu vừa già, rửa sạch, gọt bỏ gai, bỏ hột rồi xắt thành sợi. Nghe không cầu kỳ nhưng hóa ra khi làm lại mất nhiều thời gian và cần sự tĩ mĩ cao. Vì thịt mãng cầu phải được cắt mõng sao cho đều nhau, không quá to hay quá nhỏ. Công đoạn này hoàn toàn làm bằng tay nên đòi hỏi sự khéo tay. Sau đó, mãng cầu được đem phơi đặng nắng rồi rang trên bếp củi nhỏ lửa, trộn đều tay. Nếu rang quá lửa sẽ bị khét, còn rang chưa đủ trà không có mùi thơm. “Trà được làm hoàn toàn thủ công, không chứa phẩm màu, chất bảo quản nên vẫn giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng”.

Để được 1kg trà thành phẩm phải cần có khoảng 10kg mãng cầu tươi, trà mãng cầu thành phẩm có giá bán 500.000 đồng/kg. Để khách hàng dễ mua, cô Chăm chia làm nhiều loại: Túi 100g, keo 250g và keo 500g. Hiện tại, trung bình mỗi tháng gia đình cô Chăm sản xuất và bán ra khoảng 10 – 15kg trà. Sản phẩm trà mãng cầu mang nhãn hiệu Cô Chăm đã được cán bộ khuyến nông tư vấn đăng ký nhãn hàng hóa, hiện nhãn hiệu trà mãng cầu Cô Chăm đã có mặt tại các tiệm tạp hóa tại địa phương và tiệm trà tại thành phố Hồ Chí Minh nơi con trai cô làm việc. Với sự sáng tạo trong suy nghĩ và cách làm đã giúp gia đình cô thoát khỏi cảnh “trúng mùa, rớt giá”.

Nguyễn Thị Ngọc Tài
Viên chức Khuyến nông xã Đông Phú, trạm Khuyến nông Châu Thành

Ý kiến bạn đọc